Nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Thị Ngọc Như, Phạm Ngọc Mai, Thạch Trung Cương, Đỗ Thị Thanh Huyền, Nguyễn Đặng Tường Vy, Võ Thị Thuý Huệ và Nguyễn Vũ Phong thực hiện.

Nấm Neoscytalidium dimidiatum gây bệnh đốm nâu là mối đe dọa nghiêm trọng đối với cây thanh long. Để góp phần phòng trừ tổng hợp dịch bệnh, cần tìm các vi sinh vật đối kháng có hiệu quả cao đối với tác nhân gây bệnh này. Pseudomonas là một chi vi khuẩn trong đất và được biết có hoạt tính kháng nấm cao. Trong nghiên cứu này, hai chủng vi khuẩn được định danh dựa trên các đặc điểm hình thái, sinh hóa và trình tự 16S-rRNA. Khả năng đối kháng của các chủng vi khuẩn đối với nấm được đánh giá bằng phương pháp đồng nuôi cấy và khuếch tán giếng thạch. Khả năng ức chế nấm bệnh trên cành thanh long của hai chủng PN01 và PN02 đã được khảo sát bằng thử nghiệm in vitro. Kết quả cho thấy bốn trong 6 chủng vi khuẩn có tác dụng ức chế sự phát triển của hệ sợi nấm. Ở thử nghiệm chủng bệnh nhân tạo trên cành 3 giống thanh long, cả hai chủng Pseudomonas PN01 và PN02 đều có khả năng giảm tỷ lệ bệnh xuống 50%. Dựa vào trình tự vùng 16S-rRNA, 2 chủng vi khuẩn tương đồng hoàn toàn với Pseudomonas aeruginosa. Các nghiên cứu về đặc điểm sinh học, các hợp chất kháng nấm và khả năng kiểm soát bệnh của hai chủng vi khuẩn này cần tiếp tục thực hiện để phát triển chế phẩm bảo vệ thực vật từ chủng vi sinh vật bản địa.

Ở Việt Nam, thanh long được trồng ở 30 tỉnh thành, nhưng phát triển mạnh thành các vùng chuyên canh quy mô lớn tập trung ở các tỉnh Bình Thuận (29.000 ha), Long An (11.000 ha) và Tiền Giang (8.000 ha) chiếm 93,6% diện tích và 95,5 % sản lượng cả nước (Cục Xúc tiến Thương mại, 2019). Thanh long đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu quả tươi của Việt Nam trong những năm gần đây. Với ưu thế thị trường tiêu thụ ổn định và hiệu quả kinh tế cao, nông dân đang ngày càng chú trọng đầu tư vào sản xuất thanh long. Việt Nam là nước nhiệt đới, có khí hậu nóng ẩm, thích hợp cho sự phát triển và sinh trưởng của cây thanh long, nhưng nhiệt độ cao và lượng mưa lớn cũng là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển và gây hại (Kế, 1997). Vi nấm là một trong những tác nhân gây nhiều bệnh trên thanh long như: bệnh đốm nâu (do Neoscytalidium dimidiatum), bệnh thán thư (do Colletotrichum gloeosporioides), bệnh thối đầu cành (do Alternaria sp.). Các bệnh này ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây, giảm năng suất, chất lượng quả, giá trị thương phẩm, gây thiệt hại lớn cho người trồng thanh long. Bệnh đốm nâu do nấm Neoscytalidium dimidiatum gây ra là một trong những bệnh hại nghiệm trọng nhất. Bệnh đã được ghi nhận xuất hiện rải rác đầu tiên vào năm 2008 tại các tỉnh Bình Thuận và Tiền Giang và đến năm 2011, bệnh tấn công mạnh và lây lan nhanh hơn, đến năm 2013 diện tích nhiễm bệnh ước khoảng 10.000 ha (Cục Bảo vệ thực vật, 2014). Mức độ bệnh ở các vườn, địa phương khác nhau, dao động từ 30% đến 70%, có những vườn mất trắng năng suất do quả bị nhiễm bệnh không thể thu hoạch được, thiệt hại rất lớn cho nhà vườn trồng thanh long (Hiếu, 2011). Các biện pháp canh tác, biện pháp hóa học đã được đưa vào áp dụng để phòng trừ các bệnh nấm gây ra trên thanh long, nhưng các biện pháp này vẫn còn những hạn chế như chưa tiêu diệt triệt để nguồn bệnh, việc sử dụng các loại thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật gây tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và có khả năng gia tăng tính kháng thuốc của mầm bệnh (Cục Trồng trọt, 2019). Biện pháp sinh học sử dụng các vi sinh vật đối kháng được xem là biện pháp hiệu quả, thân thiện và an toàn với môi trường. Nhiều nhóm vi sinh vật có đặc tính đối kháng với nấm Neoscytalidium dimidiatum gây bệnh đốm nâu đã được nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm và ngoài đồng như: nấm Trichoderma sp., Bacillus sp., Streptomyces sp., Chaetomium sp. (Dung và ctv., 2018; Giang và ctv., 2018; Quyết và ctv., 2018; Hiếu và ctv., 2022). Việc nghiên cứu các chủng vi sinh vật có lợi, có khả năng kiểm soát phòng ngừa bệnh đốm nâu trên cây thanh long, phục vụ canh tác thanh long theo hướng bền vững là cần thiết. Pseudomonas là nhóm vi khuẩn hiện diện nhiều ở vùng rễ cây trồng có khả năng tiết ra nhiều loại kháng sinh ức chế nhiều loại nấm, vi khuẩn gây bệnh có nguồn gốc trong đất. Chế phẩm từ Pseudomonas fluorescens đã được công nhận sử dụng phòng trừ các bệnh do nấm trên các loại cây trồng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2020). Các nghiên cứu tuyển chọn vi khuẩn Pseudomonas sử dụng đối kháng với các nấm bệnh cây trồng cũng đã thực hiện (Hiền & Toàn, 2020; Tú và ctv., 2021). Nghiên cứu này trình bày kết quả chọn lọc chủng vi khuẩn Pseudomonas sp. có khả năng đối kháng cao với nấm Neoscytalidium dimidiatum gây bệnh đốm nâu trên cây thanh long.

Trong sáu chủng vi khuẩn, 2 chủng Pseudomonas sp. PN01 và PN02 được xác định có khả năng ức chế nấm Neoscytalidium dimidiatum và hạn chế bệnh trên cành ba giống thanh long in vivo. Các nghiên cứu về đặc điểm sinh học, hoạt chất kháng vi sinh vật, an toàn sinh học và khả năng ức chế vi sinh vật gây hại cây trồng của hai dòng vi khuẩn PN01 và PN02 cần được tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng tạo thuốc trừ nấm sinh học bảo vệ cây trồng.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 59, Số 1B (2023): 132-139

Số lần xem trang: 2237

Liên kết doanh nghiệp