TTO - Là thạc sĩ chuyên ngành hóa học song Phạm Thành Lộc lại say mê tìm tòi, ứng dụng sự phát triển của công nghệ sinh học để mang lại những giá trị cao hơn cho sản xuất nông nghiệp.

Chàng tỉ phú thạc sĩ nông dân
Hiện cơ sở của Phạm Thành Lộc chuyên nuôi cấy mô và cung cấp ra thị trường nhiều loại giống hoa lan rừng quý hiếm - Ảnh: Q.L.

Nguyên mảnh đất rộng phía sau nhà của gia đình Lộc tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi (TP.HCM) dành không gian cho nhà kính, phòng thí nghiệm.

Ở đó, những tháng ngày cơ cực của hành trình nghiên cứu của chàng trai tự nhận cuộc đời mình sinh ra để gắn với nông nghiệp đã được ứng dụng và đã sinh trái ngọt.

Phòng thí nghiệm 
“cùi bắp”

Phạm Thành Lộc tự nhận như thế trước đề nghị dẫn khách đi tham quan phòng thí nghiệm. Lý giải cho từ “cùi bắp”, Lộc bảo tất cả mọi thứ của phòng thí nghiệm đều do anh nghĩ ra và tự thiết kế.

Chỉ có nồi sấy và cân là không tự chế tạo được nên thạc sĩ nông dân ấy mới phải bấm bụng bỏ tiền túi mua nguyên đai nguyên kiện.

Bởi ngay cả chiếc tủ cấy mô anh cũng mày mò tìm mua nguyên liệu rồi tự thiết kế luôn, có giá chỉ vài triệu đồng so với giá thị trường ngót nghét 20 triệu đồng/cái.

Phòng thí nghiệm ấy lộn xộn lắm, ngoại trừ đảm bảo điều kiện về phương tiện làm việc, vô trùng của môi trường cần có cho một phòng thí nghiệm. Góc này chai thủy tinh lỉnh kỉnh, góc kia nguyên liệu nuôi cấy mô, góc khác lại la liệt những ống nghiệm.

“Mình tự mua vật liệu rồi nhờ mấy anh em thân thiết thiết kế, xây dựng nên cái phòng này. Thiết bị nào thật cần mà không tự làm được mới mua chứ đa số toàn tự tay làm, con nhà nghèo cái gì cũng mua tiền đâu xuể” - Lộc khoe.

Nhưng hồi đó Lộc còn tự làm cái phòng thí nghiệm nghèo hơn nữa kìa, ngay từ ngày mới tốt nghiệp ĐH để thỏa đam mê nghiên cứu hơn chục năm về trước.

Những kiến thức sơ khai về công nghệ sinh học anh chàng có được từ những buổi học ké khi còn là sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) được mang ra áp dụng cho bước đầu nghiên cứu.

Sau đó Lộc học thạc sĩ nhưng cũng chuyên ngành hóa hữu cơ, còn công nghệ sinh học, nuôi cấy mô hoàn toàn tự tìm tài liệu, sách tự đọc là chính.

Cũng không ít thất bại song anh tự nhận chính phòng thí nghiệm đã cho anh nhiều ý tưởng, sáng tạo mới giúp anh tự tin hơn với con đường đã chọn sau quyết định nghỉ làm việc tại cơ quan nhà nước khó day dứt vì những biến cố gia đình.

Công ty chuyên cung cấp giống hoa lan, công ty về nấm linh chi, công ty sản xuất tinh dầu chống muỗi lần lượt ra đời, còn công ty rau sạch chuẩn bị hình thành từ sự hợp tác của Lộc với anh em, bạn bè.

Đó cũng là cách để đối tác chia sẻ cùng anh việc quản lý, tiếp thị và bán sản phẩm, giúp anh yên tâm hơn nghiên cứu, tìm kiếm sáng tạo mới.

Nông nghiệp giá trị cao

Khởi nghiệp bằng nuôi cấy mô, cung cấp các giống hoa lan khi thị trường chọn loại cây này cho việc chuyển đổi cây trồng nhưng nhờ nhanh nhạy nắm bắt tín hiệu thị trường, Lộc đã kịp chuyển qua nuôi cấy mô, cung cấp giống lan rừng.

Đó là thời điểm hoa lan thông dụng không còn là ưu tiên lựa chọn, chưa kể nhiều giống lan nhập từ nước ngoài rẻ đẹp tràn ra đường. Bước chuyển hợp lý đó giúp Phạm Thành Lộc được nhiều người nhớ đến như một địa chỉ cung cấp giống nhiều loại lan rừng quý hiếm hiện nay.

Rồi Lộc nghiên cứu giống để sản xuất nấm linh chi, rau sạch. Thay cho giống tai nấm linh chi thông thường, Lộc chuyên ươm tạo giống nấm linh chi kiểu sừng hươu.

Những dáng cây nấm đẹp được anh chọn và đưa ra thị trường mặt hàng bonsai nấm linh chi. Dáng cây ít đẹp hơn được dùng ngâm rượu nấm linh chi. Có khi ươm cả ngàn chậu chỉ chọn được trăm chậu nhưng giá thị trường khá cao và hút khách.

Chưa kể anh còn tìm ra công thức pha trộn từ tinh dầu của các loại cây sẵn có trong thiên nhiên như: hương thảo, ngọc lan, bạc hà, sả, dầu ôliu, vani... để tạo ra tinh dầu chống muỗi.

Tinh dầu làm muỗi mất phương hướng, không xác định được vật thể đậu nên không thể chích. Người dùng có thể thoa lên quần áo hay một vật ở gần chỗ ngồi, không cần thoa lên da cũng không sợ bị muỗi đốt.

Và tinh dầu xua muỗi Odora chính thức xuất hiện trên thị trường từ tháng 10-2015, hiện mỗi tháng tiêu thụ hơn 3.000 chai.

“Hiện tôi nhập tinh dầu từ Ấn Độ và tinh chế theo bí quyết riêng. Nhưng hướng lâu dài tôi muốn phải chủ động nguồn nguyên liệu nên đang hình thành vùng trồng cây nguyên liệu, đủ để chiết xuất tinh dầu cho việc sản xuất” - Lộc chia sẻ.

Phó bí thư Huyện đoàn Củ Chi Hoàng Minh Thắng cho biết chính Lộc đã chủ động liên hệ với Huyện đoàn để mở những lớp hoàn toàn miễn phí cho bất kỳ bạn trẻ nào muốn học nghề.

“Đã có một số khóa huấn luyện được anh Lộc mở tại nhà cũng như đón nhiều đoàn tham quan thực tế mô hình sản xuất, kinh doanh tại đây. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống với giá hợp lý cho bạn nào muốn tham gia sản xuất. Đó là điều rất quý giúp đem lại giá trị cao cho sản xuất nông nghiệp tương lai” - anh Thắng nói.

Điển hình của giới trẻ 
nông thôn

Phạm Thành Lộc là một trong 85 gương mặt trẻ cả nước được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của năm 2016 dành cho thanh niên nông thôn tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Giải thưởng sẽ được trao ngày 27-11 tại Hà Nội.

Trước đó, Lộc cũng là một trong những điển hình thanh niên nông thôn được Thành đoàn TP.HCM tuyên dương trong Liên hoan thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi năm 2016.

Doanh thu hằng năm từ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của Lộc đến nay đã không tính bằng con số triệu mà phải tính bằng hàng tỉ đồng. Đồng thời các cơ sở sản xuất của anh tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 bạn trẻ nông thôn khác.

QUỐC LINH
 
 
 

 

Số lần xem trang: 2110

Liên kết doanh nghiệp