Trích lược từ báo Doan nhân Sài Gòn online:
http://doanhnhansaigon.vn/online/su-kien-doanh-nghiep/clb-doanh-nhan-sai-gon/2012/08/1067108/dam-me-quyet-dinh-thanh-cong/
Nội dung:
Trong ngày 22/8, ban giám khảo gồm 3 vị: GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo, bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Tài Nguyên, ông Nguyễn Trọng Quân - Tổng giám đốc Công ty TNHH TM Đức Trung đã lắng nghe 10 thí sinh trình bày các đề án thuộc lĩnh vực giáo dục và nông nghiệp.
Thí sinh Nguyễn Thị Phương Hoa - sinh viên trường ĐH Đồng Tháp mang đến cuộc thi ý tưởng thành lập công ty TNHH MTV TM-DV Việt Xanh chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn, trồng rau xanh tại nhà, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa góp phần tích cực bảo vệ môi trường.
Gặp một chút khó khăn với phần thi ngoại ngữ nhưng Hoa có phần trả lời kiến thức về danh nhân Lương Văn Can khá thuyết phục. Hoa biết đến Giải thưởng Lương Văn Can qua một người bạn và sau khi tìm hiểu, Hoa đã đưa những giá trị như trung thực, uy tín với khách hàng, chăm sóc khách hàng tối đa là tiêu chí cho doanh nghiệp.
Vũ Thị Hiên - sinh viên trường ĐH Huflit có phần trình bày tự tin, lưu loát dự án “Rau Việt - chuỗi cửa hàng rau sạch tại các chợ”. Bài bình luận chân thực về đạo làm giàu Lương Văn Can của Hiên được giám khảo Tuyết Mai đánh giá cao ở vòng 2. Thuận lợi của Hiên là gia đình đang kinh doanh rau nên Hiên có điều kiện để nghiên cứu những dữ liệu khá thực tế cho đề tài.
Một thí sinh khác đến từ ĐBSCL, Trần Thị Ngọc Hà - sinh viên ĐH Cần Thơ tự tin giới thiệu đề án “Dịch vụ hỗ trợ thử việc cho SV vào năm cuối với mong muốn tạo điều kiện cho các bạn sinh viên chuyên ngành kế toán có cơ hội thực tập, học hỏi kiến thức từ các chuyên gia.
Tận dụng những kết quả từ nghiên cứu đã thực hiện cho luận án bảo vệ thạc sĩ, Hà đưa ra con số 98,8% sinh viên tham gia khảo sát tại khu vực Cần Thơ đồng ý tham gia khóa học, có khả năng đóng học phí từ 620 nghìn đồng đến khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng cho khóa học kéo dài 3 tháng.
Giám khảo Tuyết Mai đồng tình rằng đây là ý tưởng rất khả thi, dựa trên nhu cầu có thật. Thực tế, doanh nghiệp cũng rất ngần ngại khi để sinh viên thực tập lĩnh vực kế toán. Giám khảo này cũng lưu ý một điểm nhỏ là logo công ty thiết kế chưa phù hợp, quá dài.
Giám khảo Trọng Quân nhận xét dự án của Hà tốt hơn rất nhiều so với nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng nghiệp hiện tại, nhưng vẫn cần tập trung hơn và tính toán chi phí chính xác hơn.
Giám khảo Tuyết Mai cũng khuyên Hà tìm hiểu thêm về danh nhân Lương Văn Can để hiểu rõ về mục tiêu giải thưởng, tìm hiểu tư tưởng, đạo làm giàu của danh nhân Lương Văn Can để áp dụng vào công việc kinh doanh của mình.
“Trang trại Thiên Ngân cung cấp giống và thịt rắn và lợn rừng” là dự án của Trần Hữu Thiện, sinh viên ĐH Kinh tế. Gây ấn tượng với kiến thức lâu năm trong nghề nuôi rắn, Thiện hy vọng sẽ xây dựng được một trang trại nuôi động vật hoang dã ở khu vực Tây Ninh với số vốn ban đầu 500 triệu.
Từng thất bại tại cuộc thi này lần I, Trần Minh Hiếu - sinh viên trường ĐH Nông Lâm, đã quyết tâm thử sức lần nữa với dự án Trung tâm giống và cây giống hoa Lan Esakul. Sau cuộc thi, Hiếu và các bạn đã cùng thành lập vườn trồng hoa lan tại nhà, vừa phù hợp với điều kiện sẵn có, vừa cải thiện kinh tế.
Giám khảo Nguyễn Trọng Quân khuyên Hiếu nên tập trung tìm hiểu đầu ra ngay cho sản phẩm và sản xuất, không nên dàn trải quá nhiều lĩnh vực. Giám khảo Tuyết Mai nhận định, Hiếu say mê với nghề trồng lan, nghiên cứu kỹ thuật trồng nhưng kiến thức kinh doanh còn chưa tốt. Nữ giám khảo này cũng khen ngợi và trân trọng nỗ lực, niềm đam mê và sự trung thực của Hiếu khi tham gia cuộc thi lần 2.
Thí sinh Nguyễn Tấn Phát - sinh viên ĐH Hùng Vương dự thi với dự án “Học kỳ hướng nghiệp” với mục tiêu giúp các bạn học sinh cấp 2, cấp 3 định hướng nghề nghiệp chính xác ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Các giám khảo cũng đồng tình với quan điểm giáo dục của Tấn Phát, nhưng để tăng tính khả thi, Phát cần nghiên cứu kỹ tâm lý của học sinh cấp 2, 3 vốn chưa ổn định. Các giám khảo đồng tình, mục tiêu của đề án rất hay, biết sử dụng công cụ trắc nghiệm, tuy nhiên Phát cần xác định lại đối tượng khách hàng tiềm năng phù hợp hơn.
Trở lại sau 30 phút nghỉ trưa, thí sinh Nguyễn Trịnh Hồng Ngọc trình bày dự án “Doanh nghiệp với sinh viên - Học đi đôi với hành” kết hợp website giới thiệu việc làm và doanh nghiệp tư vấn hướng nghiệp. Chia sẻ từ kinh nghiệm kinh doanh thực tế, giám khảo Tuyết Mai cho rằng, để thu hút được quảng cáo cho website là rất khó khăn. Hồng Ngọc đưa ra phương án quảng cáo miễn phí trong hai năm đầu để thu hút khách hàng.
Đặng Thanh Tuấn - sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM trình bày dự án “Hạt mầm tương lai” giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh với phần trình bày khoa học, thu hút. Tuấn cũng đã tổ chức được một hội thảo thử nghiệm và thu thập được nhiều số liệu thống kê có giá trị cho dự án của mình.
Ở phần thi tiếng Anh, Thanh Tuấn và Hồng Ngọc đã có phần trao đổi lưu loát xung quanh quan điểm kinh doanh của danh nhân Lương Văn Can được áp dụng ra sao trong định hướng kinh doanh của doanh nghiệp do các bạn tạo lập, và ảnh hưởng của đạo làm giàu này trong môi trường kinh doanh hiện đại.
Kết quả, kết thúc ngày thi thứ tư, có thêm 4 thí sinh vinh dự nhận Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can:
2/ Ngô Thanh Cường - sinh viên trường ĐH Nông Lâm – Dự án “Đệm trùn quế xử lý phân gà”.
3/ Đặng Thanh Tuấn - sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Dự án “Hạt mầm tương lai”.
4/ Nguyễn Trịnh Hồng Ngọc - sinh viên trường ĐH Cần Thơ - Dự án "Doanh nghiệp với sinh viên:Học đi đôi với hành".
Số lần xem trang: 3579