TTCT - Giải Nobel y sinh học 2020 được trao cho 3 nhà khoa học Harvey J. Alter (Viện Y tế Hoa Kỳ - NIH), Michael Houghton (Đại học Alberta, Canada) và Charles M. Rice (Đại học Rockefeller, New York, Mỹ) vinh danh khám phá của họ về siêu vi C gây bệnh viêm gan C. Những khám phá này dẫn đến các phương pháp xét nghiệm và thuốc điều trị giúp cứu sống hàng triệu người. Đây chính là một ví dụ tiêu biểu về “khoa học triển khai” (translational science). Nhưng giải thưởng còn là lời nhắc nhở về nguy cơ từ căn bệnh thầm lặng này, cũng như gánh nặng kinh tế của bệnh nhân ở các nước nghèo.

 

Giải Nobel Y học 2020: Bệnh viêm gan và khoa học triển khai
Ba nhà khoa học được trao giải Nobel Y sinh 2020. Ảnh: Firstpost

Bệnh viêm gan C (HCV) không xa lạ gì với người Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là dữ liệu khoa học về gánh nặng của căn bệnh này trong cộng đồng còn rất hạn chế. Kết quả một nghiên cứu trên 8.000 người từ Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa đến Cần Thơ cho thấy số người nhiễm HCV rất cao. 

Tỉ lệ nhiễm lên đến 56% ở những người dùng ma túy qua đường tiêm chích (IDU), 27% ở những người chạy thận, 9% ở những người bán dâm, và thậm chí gần 2% ở những bệnh nhân qua phẫu thuật.

Theo một phân tích tổng hợp của tiến sĩ Dương Minh Cường (Đại học New South Wales, Úc), tính chung số người bị nhiễm HCV là khoảng 4% dân số. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 2% dân số, hay 150 triệu người nhiễm HCV, và mỗi năm khoảng 400.000 người chết vì viêm gan C.

Những dữ liệu dịch tễ học này cho thấy căn bệnh là mối đe dọa đáng sợ ở quy mô toàn cầu, đặc biệt là ở các nước còn nghèo như Việt Nam.

Bệnh viêm gan C ngày nay được xem là một bệnh có thể chữa khỏi, và câu chuyện đằng sau thành tựu lớn này không khác gì một cuốn tiểu thuyết khoa học, với những nhân vật được trao giải thưởng Nobel năm nay.

Câu chuyện bắt đầu từ viêm gan A và B, từ câu hỏi “thủ phạm là ai”, và theo sau là hàng loạt nghiên cứu kéo dài nhiều thập niên, dẫn đến thuốc có thể chữa dứt bệnh.

Từ A và B đến C

Viêm gan không phải là bệnh mới, nó thực ra là một phần của lịch sử nhân loại. Những ca bệnh viêm gan được mô tả trong y văn cổ từ tận 5.000 năm trước, với các triệu chứng rất dễ nhận biết: đau bụng, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt và trong nhiều trường hợp dẫn đến suy gan và tử vong.

Nhưng mãi đến thế kỷ 20, các nhà khoa học mới khám phá ra thủ phạm. Trong một bài báo công bố năm 1908, bác sĩ S. McDonald mô tả tác nhân gây bệnh viêm gan mà nay chúng ta biết là siêu vi A.

Những thí nghiệm (mà ngày nay bị xem là vi phạm y đức) ở Đức và Anh cho lây lan từ người sang người giai đoạn 1930-1945 xác định rằng “bệnh vàng da” là do virus. Sau đó, giới khoa học chia các bệnh nhân thành 2 nhóm: viêm gan do virus loại A (Hepatitis A) và do virus loại B (Hepatitis B).

Viêm gan siêu vi A lây lan từ người sang người qua đường thức ăn và nước, có thời gian ủ bệnh ngắn. Viêm gan siêu vi B lây qua đường máu và có thời gian ủ bệnh tương đối dài. Vấn đề đặt ra là làm sao nhận dạng ra thủ phạm, hay con virus nào gây bệnh?

Các virus lợi dụng ký chủ để sản sinh protein, do đó nghiên cứu protein là một cách để nhận dạng virus. Năm 1965, tiến sĩ di truyền học người Mỹ Baruch Blumberg phát hiện siêu vi B là nguyên nhân của viêm gan.

Năm 1976, ông và Daniel Gajdusek, bác sĩ và nhà nghiên cứu y khoa người Mỹ, được trao giải Nobel y sinh về khám phá này. Con virus thoạt đầu có tên “Australian Antigen”, vì được phát hiện từ mẫu máu của một thổ dân người Úc.

Sau khám phá siêu vi B là phát triển phương pháp xét nghiệm. Từ năm 1971 trở đi ở Mỹ, các bác sĩ đã có thể xét nghiệm tầm soát siêu vi B và giúp giảm tần số nhiễm xuống 25%. Bốn năm sau, Blumberg và nhà vi sinh học Irving Milman phát triển vaccine cho bệnh viêm gan B.

Tuy nhiên, qua phân tích sâu hơn, họ phát hiện rằng siêu vi B chỉ “chịu trách nhiệm” khoảng 25-50% các ca viêm gan. Họ nghĩ rằng thủ phạm còn lại phải là siêu vi A. Thế nhưng vào năm 1970, Harvey Alter và các đồng nghiệp ở NIH chỉ ra rằng đa số các ca viêm gan không phải do siêu vi A, cũng chẳng phải do siêu vi B!

Quan trọng hơn, những người bị viêm gan không do siêu vi B ít khi biểu hiện triệu chứng, do đó khó phát hiện. Họ không biết gọi bệnh này là gì, nên cho nó cái tên dài dòng là “Viêm gan không-A-và-không-B” (Non-A, Non-B Hepatitis)!

Trong khi thủ phạm của bệnh viêm gan bí ẩn chưa được xác định, giới khoa học vẫn nghiên cứu cách điều trị. Họ dùng thuốc interferon alfa (một protein sản xuất bởi các tế bào miễn dịch chống sưng viêm). Trong một nghiên cứu chỉ trên 10 bệnh nhân được điều trị 16 tuần ở NIH, họ quan sát thấy tất cả đều bình phục tốt.

Thế nhưng khi ngưng interferon thì bệnh tái phát sau 4 tháng. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân đó, khi được điều trị lại bằng interferon thì gan của họ trở nên tốt hơn, thậm chí bình thường sau một năm.

Dẫu vậy, kết quả trên chỉ mang tính sơ khởi, giới khoa học phải tiến hành một nghiên cứu quy mô lớn hơn. Kết quả của nghiên cứu lớn này cho thấy hiệu quả của interferon không quá tốt như quan sát bước đầu.

Họ thử nghiệm thêm bằng cách cho bệnh nhân dùng cả interferon và ribavirin (một thuốc chống virus) thì thấy kết quả khả quan hơn so với chỉ có interferon. Tuy nhiên, 50% bệnh nhân vẫn không có kết quả tốt, chưa kể những phản ứng khi điều trị như sốt, mệt mỏi, đau cơ, có khi trầm cảm. Điều này cho thấy cần phải nghiên cứu thêm.

Giải Nobel Y học 2020: Bệnh viêm gan và khoa học triển khai
Ảnh: roche.com

Khám phá HCV

Thủ phạm viêm gan C được phát hiện vào năm 1989 bởi một nhóm khoa học tư nhân. Năm 1989, Michael Houghton và đồng nghiệp (Qui Lim Choo, George Kuo) làm việc cho Công ty Chiron và Daniel Bradley (thuộc Trung tâm Phòng ngừa bệnh dịch - CDC) tạo ra được một bản sao của virus mà sau này họ đặt tên là hepatitis C virus, hay HCV.

Việc phát hiện HCV là một kỳ công khoa học. Theo bài báo mô tả, Choo, Kuo và Houghton chiết xuất RNA và DNA từ huyết thanh của những con tinh tinh, sau đó làm cDNA từ RNA và cấy vào các bản sao của HCV để quan sát quá trình hình thành protein.

Tiếp đến, họ tầm soát các protein ở bệnh nhân được định danh “Non-A, Non-B Hepatitis”. Diệu kỳ thay, tầm soát hàng triệu protein, họ phát hiện chỉ một protein duy nhứt, và HCV được khám phá từ đó.

Vì thế, năm 1989 được xem là mốc thời gian quan trọng trong việc chinh phục bệnh viêm gan C. Khám phá HCV mở ra cánh cửa vô cùng quan trọng cho các bước nghiên cứu sau đó. Xét nghiệm kháng thể HCV được sáng chế giúp việc tầm soát dịch tễ trong cộng đồng chính xác hơn.

Xét nghiệm còn giúp xác định đường lây nhiễm HCV chủ yếu ở những người được truyền máu (điều giải thích cho tỉ lệ nhiễm HCV cao với người tiêm chích ma túy, bệnh nhân chạy thận và bệnh nhân truyền máu ở trên). Năm 1990, giới khoa học phát triển một phương pháp xét nghiệm dựa trên huyết tương để tầm soát những ca bị nhiễm HCV và bảo vệ người được truyền máu.

Sau phương pháp xét nghiệm là phát triển thuốc điều trị. Nhưng vấn đề là sự đa dạng di truyền của HCV cùng sự yếu ớt của hệ miễn dịch ở người chống lại HCV khiến việc phát triển vaccine trở nên rất khó khăn.

Chưa làm được vaccine thì nghĩ đến thuốc. Thuốc điều trị viêm gan B được đề xuất là ứng viên điều trị viêm gan C. Thuốc interferon alfa-2b được thử nghiệm, nhưng kết quả không mấy khả quan. Ngay cả thêm ribavirin cũng không dẫn đến kết quả như mong đợi, mà còn gây tác hại cho bệnh nhân.

Những thành tựu trong nghiên cứu về virus chỉ ra hướng phát triển thuốc mới. Những thuốc này tác động đến các protein phi cấu trúc của HCV để ngăn chặn sự phân lập của virus trong gan. Năm 2011, thế hệ đầu tiên của thuốc này được phê chuẩn cho điều trị viêm gan C.

Khi thuốc mới được dùng với interferon và ribavirin, tỉ lệ thành công được cải thiện lên đến 70%. Năm 2013, Cục Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn thêm một loại thuốc mới trong nhóm DAA (direct acting antiviral - thuốc tác dụng kháng virus trực tiếp) thuộc thế hệ thứ hai và tỉ lệ điều trị thành công lên đến 90% sau 12-24 tuần điều trị. Ngày nay, viêm gan C được xem là một trong những bệnh có thể chữa khỏi.

Thách thức về kinh tế

Có một vấn đề hiện tại là chi phí điều trị viêm gan C rất khác biệt giữa các nước. Một phân tích kinh tế về chi phí điều trị ở 26 nước trên thế giới cho thấy Mỹ là nước có chi phí điều trị cao nhứt: Nếu muốn chữa khỏi cho tất cả những người bị HCV ở Mỹ sẽ phải tiêu tốn tới hơn 166 tỉ đôla, tính theo ngang giá sức mua (PPP). Ở Nhật là hơn 47 tỉ đôla, Pháp là 7,5 tỉ, hay Mông Cổ là hơn 400 triệu.

Nếu tính theo đầu người, giá thuốc sofosbuvir cho 12 tuần điều trị dao động rất lớn giữa các nước. Đứng đầu là Mỹ với chi phí lên đến 84.000 đôla. Với các nước láng giềng của Việt Nam, giá thuốc sofosbuvir cho 12 tuần điều trị ở Thái Lan là khoảng 320 đôla, Campuchia 120 đôla (có hỗ trợ của Médecins Sans Frontières).

Riêng ở Việt Nam, theo một nghiên cứu công bố gần đây, giá thuốc 12 tuần điều trị với sofosbuvir tốn từ 2.068-2.230 đôla, tức cao hơn nhiều so với các nước láng giềng và quá cao so với thu nhập bình quân của người Việt hiện nay.

Ở Úc, nơi tôi đang sống, do chính sách bảo hiểm y tế khá tốt, bệnh nhân chỉ trả khoảng 30 đôla Úc mỗi tháng (thu nhập bình quân của người Úc hiện là khoảng 50.000 đôla Úc một năm), trong đó có bao gồm chữa HCV.

Viêm gan C vẫn là mối đe dọa với chừng 4 triệu người ở Việt Nam. Do đó, giải Nobel năm nay có thể xem là lời nhắc nhở các giới chức y tế không nên xao lãng căn bệnh âm thầm nhưng nguy hiểm này, cần phải có những biện pháp y tế công cộng để giảm tần số mắc bệnh đến mức thấp nhứt. Quan trọng hơn, chính phủ cần phải có chính sách bảo hiểm để giảm gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân. ■

Bài học về nghiên cứu khoa học

Hành trình khám phá HCV và những thành tựu theo mang lại nhiều bài học quý giá về nghiên cứu khoa học, bao gồm tính kế tục trong nghiên cứu: Nhóm của Alter nhận ra một khoảng trống tri thức và nêu câu hỏi; nhóm Houghton trả lời câu hỏi; sau cùng, nhóm của Rice xác nhận chắc chắn câu trả lời.

Bài học lớn thứ hai của giải Nobel Y sinh năm nay là quá trình triển khai từ khám phá ban đầu sang ứng dụng lâm sàng. Đa số (có thể hơn 95%) các nghiên cứu vẫn được gọi là “cơ bản” không có giá trị ứng dụng bởi đặt câu hỏi sai, nghiên cứu cho ra kết quả sai, hay kết quả không thể lặp lại bởi nghiên cứu khác.

Tuy nhiên, hành trình nghiên cứu HCV cho thấy các nhà khoa học đặt câu hỏi thực tế, và kết quả do đó cũng có giá trị thực tiễn. Giải Nobel Y sinh năm nay cũng là tấm gương về nghiên cứu khoa học vượt qua sự phân biệt không cần thiết giữa "cơ bản" và "ứng dụng", là một ví dụ tiêu biểu về "translational science" cần được khuyến khích nhiều hơn trong tương lai.

(Nguồn: https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20201017/giai-nobel-y-hoc-2020-benh-viem-gan-va-khoa-hoc-trien-khai/1567980.html)

  •  

Số lần xem trang: 2115

Liên kết doanh nghiệp