Ngày 20/03/2018, Bộ môn Công nghệ Sinh học đã tổ chức Hội thảo về chuyên đề “Công nghệ chẩn đoán và vacxin phòng bệnh trên heo” lần thứ hai tại Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. Tổng cộng có 55 học viên tham dự, bao gồm giảng viên và sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y, Bộ môn Công nghệ Sinh học trường Đại học Nông Lâm TP. HCM, sinh viên ngành Công nghệ Sinh học của trường Đại học Tôn Đức Thắng và nhân viên kỹ thuật ngành chăn nuôi thú y đến từ các công ty đang hoạt động tại Việt Nam gồm tập đoàn Anova, công ty thức ăn gia súc Greenfeed, Japfa, công ty Kyodo, Wagon, DeHeus, HaidFeed, Vina, Rico, ANT, US Feed, Hòa Phát, Newfeed, Masan, công ty sản xuất Premix và chất bổ sung thức ăn gia súc Biomin, công ty cung cấp dịch vụ chẩn đoán bệnh thú y Sanphar.

Chương trình hội thảo diễn ra trong 02 ngày, đã chuyển tải được nhiều thông tin thời sự và khoa học liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngành chăn nuôi – thú y hiện nay như (1) tình hình dịch bệnh đường hô hấp do virus gây ra trên heo; (2) những tiến bộ về khoa học – công nghệ trong nghiên cứu và sản xuất vacxin; (3) những ứng dụng khoa học – công nghệ trong công tác chẩn đoán bệnh trên heo trên thế giới và thực tiễn ở Việt nam. Sáu chủ đề chuyên sâu liên quan đến cơ chế sinh bệnh, cơ chế đáp ứng miễn dịch và sự bảo hộ của các bệnh do virus gây ra trên heo như bệnh tai xanh (PRRSV), giả dại (ADV), circovirus (PCV2), dịch tả (CSFV) và các giải pháp thay thế kháng sinh... được trình bày bởi TS. Đinh Xuân Phát (Bộ môn Công nghệ Sinh học), TS. Đỗ Tiến Duy (Khoa Chăn nuôi Thú y) và Giám đốc Kỹ Thuật của công ty Biomin Việt Nam đã đem đến cho người nghe nhiều điều bổ ích.

Bên cạnh đó, các báo cáo viên cũng chia sẻ kiến thức chuyên sâu về cơ chế phân tử của quá trình gây bệnh, nguyên lý của các phương pháp chẩn đoán hiện đại đang được ứng dụng trong chẩn đoán bệnh thú y. Sau mỗi chủ đề được trình bày, các học viên có cơ hội thảo luận, trao đổi với các giảng viên về các vấn đề thực tế mà các trại chăn nuôi heo đang gặp phải, cũng như hướng giải quyết thích hợp cho từng tình huống cụ thể tùy thuộc vào tình hình dịch tễ, điều kiện vật chất, nguồn nhân lực của trang trại.

Đặc biệt, trong lần thứ hai tổ chức hội thảo chuyên đề liên quan đến khoa học và thực tiễn này, ban tổ chức đã dành nhiều thời gian để người tham dự có cơ hội tự trình bày và thảo luận về những ca bệnh thực tế. Điều này giúp ích trực tiếp các học viên trong việc đánh giá ca bệnh, cách lựa chọn phương pháp chẩn đoán xét nghiệm và đưa ra giải pháp phòng trị bệnh hợp lý, được các học viên tham gia hưởng ứng rất sôi nổi.

Đây là cơ hội giao lưu, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia với các cán bộ kỹ thuật đang công tác trong lĩnh vực thú y thuộc ngành chăn nuôi heo. Dự kiến, trong tháng 6/2018, Bộ môn Công nghệ Sinh học sẽ tiếp tục tổ chức một hội thảo quốc tế khác về công nghệ sản xuất vacxin trên heo.

 TS. Đinh Xuân Phát phát biểu khai mạc hội thảo.

TS. Đỗ Tiến Duy thuyết giảng về triệu chứng bệnh tích của hội chứng hô hấp phức hợp trên heo.

Các học viên nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình.


Cuối chương trình hội thảo, các học viên tham dự đã nhận được Giấy chứng nhận do Bộ môn Công nghệ Sinh học, trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cấp. Chương trình hội thảo kết thúc vào lúc 5 giờ chiều ngày 21/03/2018.

Hàng năm, Bộ môn Công nghệ Sinh học sẽ tiếp tục tổ chức những chương trình hội thảo ngắn ngày với nội dung liên quan đến kỹ thuật chẩn đoán bệnh gia súc gia cầm, công nghệ sản xuất vacxin và ứng dụng của vacxin trong chăn nuôi. Ban tổ chức và các cán bộ giảng dạy thuộc Bộ môn Công nghệ Sinh học rất hân hạnh được tiếp đón Quý Công ty, Quý học viên đang hoạt động trong ngành chăn nuôi thú y đến với các khóa học trong tương lai.


Tin, Ảnh: TS. Đinh Xuân Phát

 

Số lần xem trang: 2123

Liên kết doanh nghiệp