UBND TP.HCM triển khai Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, chương trình sẽ nâng cao năng lực nghiên cứu, lai tạo và chọn lọc, sản xuất, quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống, nhằm đảm bảo cung câp đầy đủ giống chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
tphcm day manh phat trien nong nghiep cong nghe cao
Ảnh minh họa
Ông Hoan cho rằng hiện nay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị là xu hướng chủ đạo và tất yếu của ngành nông nghiệp thành phố, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phục vụ phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, có năng suất, giá trị gia tăng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường.
TP.HCM dự kiến nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 chiếm từ 50% - 60% tổng giá trị sản xuât nông nghiệp của thành phố; từ 40% - 50% hộ nông dân, trên 15% hợp tác xã, trên 70% doanh nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch; cơ giới hóa, tự động hóa trong quá trình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, xử lý chất thải; các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong quá trình sản xuất các đối tượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực (rau quả, hoa kiểng, heo, bò sữa, tôm và cá cảnh).
TP.HCM sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và trong sản xuất và bảo quản nông sản; cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp…
TP.HCM cũng dự kiến nâng cấp, mở rộng đưa vào sử dụng hiệu quả từ 2 đến 3 Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, mở rộng Khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt, công nghệ bảo quản sau thu hoạch (quy mô 23,3 ha) tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi; đầu tư mở rộng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt (giống và sản phẩm rau, hoa, quả) và thủy sản (cá cảnh) (quy mô 200 ha) tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi;
Nâng cấp, mở rộng Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, Trại thực nghiệm và trình diễn chăn nuôi bò sữa công nghệ cao; Xây dựng mới Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực giống thủy sản nước mặn/lợ (quy mô 89,7 ha) tại huyện Cần Giờ, đầu tư trang thiết bị nhân giống, kiểm soát bệnh và xây dựng mô hình sản xuât thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cần Giờ…
Bên cạnh đó, TP.HCM chú trọng nâng cao năng lực quản lý nhà nước thông qua công tác đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên ngành giống; tổ chức chứng nhận chất lượng giá trị giống vật nuôi theo các phương pháp tiên tiến (BLUP và GEN BLUP,...); kiểm tra, kiểm nghiệm đánh giá chất lượng giống bằng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thê và nhãn hiệu chứng nhận đối với các đặc sản địa phương, sản phẩm chủ lực của thành phố.

Số lần xem trang: 2120

Liên kết doanh nghiệp