Đột phá trong nghiên cứu của vị giáo sư gốc Việt mang đến cơ hội có vắc xin phòng ngừa một trong những căn bệnh chết chóc nhất thế giới.

Giáo sư Tung Hoang trong phòng thí nghiệm /// CHỤP MÀN HÌNH STAR ADVERTISER

Giáo sư Tung Hoang trong phòng thí nghiệm

CHỤP MÀN HÌNH STAR ADVERTISER
 
Nhóm nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Tung Hoang (ảnh), nhà khoa học gốc Việt ở Đại học Hawaii tại Manoa (bang Hawaii, Mỹ) mới đây được Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ 3 triệu USD cho dự án phát triển vắc xin phòng bệnh Whitmore, theo tờ Star Advertiser đưa tin mới đây.

Phát hiện quan trọng

Bệnh Whitmore (tên gọi khác là Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi có vết thương hở hoặc qua uống nước nhiễm khuẩn. Bệnh này không lây lan thành dịch nhưng có tỷ lệ tử vong cao đến 50% và các ca nhiễm xuất hiện chủ yếu tại Úc và Đông Nam Á.
Giáo sư Hoang chia sẻ mối quan tâm của ông đối với căn bệnh này nảy sinh trong một chuyến quay về thăm Việt Nam và chứng kiến người thân lội chân trần làm ruộng, môi trường dễ gây nhiễm bệnh.
Phòng thí nghiệm của ông bắt đầu nghiên cứu vi khuẩn Burkholderia pseudomallei từ năm 2008 và sau nhiều thử nghiệm, nhóm nghiên cứu cuối cùng đã phát triển được các kỹ thuật để xác định hai protein trên bề mặt cho phép vi khuẩn bám vào tế bào người để gây nhiễm trùng. Nếu không có hai protein này, vi khuẩn mất đi khả năng lây nhiễm.
“Khác với hầu hết vi rút thường có chưa đầy một chục protein, vi khuẩn có đến hàng ngàn protein khác nhau nên việc tìm ra cái nào quan trọng cho việc lây nhiễm và cái nào có thể dùng để bào chế vắc xin như mò kim đáy bể”, vị giáo sư giải thích.
Hai protein được sử dụng cho một vắc xin tiềm năng và kết quả thử nghiệm trên chuột cho thấy hiệu quả 100%. Những con chuột không được tiêm vắc xin chết chỉ sau 5 ngày nhiễm khuẩn, trong khi toàn bộ số được tiêm đều sống. Phát hiện này được công bố trong nghiên cứu đăng trên chuyên san khoa học Nature Communications hồi tháng 3.

Số lần xem trang: 2122

Liên kết doanh nghiệp