TTO - Cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng bất cứ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đều được hỗ trợ là một chủ trương đúng.

Chủ trương này nhằm phát triển bền vững ở một đất nước với xấp xỉ 80% lao động trong độ tuổi chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật

Nông nghiệp công nghệ cao là nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, với sự tích hợp của nhiều ngành từ công nghệ cơ khí, điện tử, tự động hóa, hóa học, công nghệ số thông tin truyền thông, công nghệ sinh học, khí tượng, tài chính - quản trị kinh doanh, chế biến, bảo quản... để hình thành sản phẩm nông nghiệp chất lượng và hiệu quả cao.

Thành công của nông nghiệp công nghệ cao không chỉ dựa vào vốn, đất, thể chế, mà quan trọng hơn là yếu tố nhân lực.

Thực tiễn nhiều năm và ở nhiều ngành đã cho chúng ta những bài học đắt giá khi thiếu nhân lực.

Đã có rất nhiều chương trình, dự án rủng rỉnh tiền bạc, đất đai, thậm chí chính sách và hành lang pháp lý khá hoàn chỉnh, nhưng lại thiếu chiến lược phát triển nhân lực cho chính ngành sản xuất đó và vì thế rủi ro rất cao.

Điểm lại về các cơ sở đào tạo nhân lực nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta đang hết sức chắp vá.

Ở đó thiếu một sự hợp tác điều phối vĩ mô giữa các trường đại học đào tạo về nông nghiệp tích hợp cùng với các ngành khoa học kỹ thuật công nghệ khác để chuẩn bị nhân lực lãnh đạo quản lý, khoa học kỹ thuật... như mong muốn của Chính phủ.

So sánh về điều kiện tự nhiên để làm nông nghiệp công nghệ cao, chúng ta hơn hẳn Israel, Nhật Bản... nhưng chúng ta thiếu nhân lực.

Ngay cả doanh nghiệp nông nghiệp Nhật Bản qua Việt Nam để làm nông nghiệp công nghệ cao cũng gặp khó khăn về nguồn nhân lực được đào tạo.

Theo số liệu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, ngành nông lâm nghiệp và thủy sản từ năm 2010 đến 2014 chỉ chiếm 2-5% tổng quy mô tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp.

Đến nay, số trường trung cấp liên quan đến đào tạo nông nghiệp còn hơn 10 trường. Ít ỏi thế, vậy ai sẽ là người trực tiếp chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân? Ai là người lao động trực tiếp trong doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao?

Nhật Bản vốn là một nước công nghiệp, vậy mà cách đây không lâu, Thủ tướng Shinzo Abe trong chính sách phát triển kinh tế của mình đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và mong muốn tăng gấp đôi thu nhập của nông dân Nhật Bản trong vòng 10 năm.

Trung Quốc hiện có khoảng 300 trường đào tạo nghề nông nghiệp, trong đó có 134 trường cao đẳng, người học trong các cơ sở này được miễn học phí và có thể được trợ cấp từ chính phủ.

Quyết tâm và sự cam kết của Thủ tướng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang nhen nhóm hi vọng có một cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp, để đời sống nông dân được ấm no hơn.

Sắp tới đây sẽ có nhiều dự án, đề án về nông nghiệp công nghệ cao được đệ trình các cấp quản lý.

Nhưng cần cảnh báo rằng đừng chạy theo dự án, mà phải đầu tư tốt hơn, bài bản hơn cho nguồn nhân lực.

Câu hỏi tìm đâu ra nhân lực công nghệ cao luôn phải được trả lời thỏa đáng. Đó mới là chìa khóa để biến ước mơ nông nghiệp công nghệ cao thành sự thật.

TS HOÀNG NGỌC VINH

 

Số lần xem trang: 2113

Liên kết doanh nghiệp