Khi khởi nghiệp, nếu cảm thấy ý tưởng quá nghèo nàn, sinh viên cần nhìn nhận lỗi từ phía bản thân trước tiên, PGS.TS Hà Thanh Việt, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, trưởng khoa Tài chính Đại học Quy Nhơn, thẳng thắn chia sẻ.
 PGS.TS Hà Thanh Việt cho rằng khi khởi nghiệp, các bạn sinh viên cần chủ động nhìn nhận lỗi về phía bản thân trước
Chia sẻ với các bạn sinh viên tham gia chương trình Con đường Khởi nghiệp do báo Thanh Niên tổ chức, PGS.TS Hà Thanh Việt, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Trưởng khoa Tài chính Đại học Quy Nhơn, dưới góc độ của người thầy có kinh nghiệm giảng dạy nhóm ngành tài chính, cho rằng khi khởi nghiệp, các bạn nghèo ý tưởng thì nên nhìn nhận thiếu sót từ phía bản thân trước tiên.
"Sinh viên nên tư duy những ý tưởng thật độc đáo, chưa ai nghĩ đến. Tuy nhiên, tất cả phải xuất phát từ nội tâm. Cần đặt ra câu hỏi liệu sản phẩm này có phục vụ lợi ích cộng đồng hay không, vì khởi nghiệp phục vụ cộng đồng chính là con đường thành công bền vững", PGS.TS Hà Thanh Việt nhận xét.

Từ góc nhìn thực tế của người quản lý, sở hữu doanh nghiệp, ông Nguyễn Cảnh Hiền, Tổng giám đốc công ty Microsun, đại diện Tenda Việt Nam lại cho rằng "Ý tưởng không quan trọng bằng khả năng thực thi”. Theo đó, sinh viên có thể sao chép mô hình đã có sẵn và thành công trước đó, nhưng vẫn cần những điểm mới lạ, đặc biệt để tạo dấu ấn cạnh tranh với đối thủ.
 Ông Nguyễn Cảnh Hiền, tổng giám đốc công ty Microsun, đại diện Tenda Việt Nam cho rằng trong khởi nghiệp, khả năng thực thi quan trọng hơn ý tưởng
Ông Nguyễn Cảnh Hiền, tổng giám đốc công ty Microsun, đại diện Tenda Việt Nam cho rằng trong khởi nghiệp, khả năng thực thi quan trọng hơn ý tưởng
Thực tế cho thấy hiện nay, hàng năm có rất nhiều doanh nghiệp được thành lập, nhưng vô vàn trong số đó không thể trụ vững, dẫn đến phá sản. Nguyên nhân chính, theo lý giải từ các báo cáo viên của chương trình Con đường Khởi nghiệp do báo Thanh Niên tổ chức, nằm ở bài toán ý tưởng khởi nghiệp, hiện vẫn chưa tìm ra lời giải.
Bên cạnh đó, sinh viên Việt Nam bị đánh giá quá thu động trong tư duy, thiếu định hướng về mục tiêu của bản thân cũng như việc phải bắt đầu từ đâu. Ý tưởng, cơ hội vẫn tồn tại, nhưng các bạn chưa có tinh thần khởi nghiệp, ngại thất bại và còn thói quen ỷ lại.
Sinh viên Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức chụp hình giao lưu tại chương trình Con đường Khởi nghiệp do báo Thanh Niên tổ chức
Sau khi phong trào khởi nghiệp trong sinh viên được phát động trên phạm vi toàn quốc, trường Cao đẳng Tài chính Hải quan đã thành lập CLB Khởi Nghiệp nhằm định hướng sinh viên khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
“CLB Khởi nghiệp được lập ra dành cho sinh viên có đam mê khởi nghiệp và đã có ý tưởng ban đầu. Mục đích chính của CLB là giúp các bạn rèn luyện kĩ năng để trở thành người làm chủ, đưa ý tưởng đến gần hơn với thực tế. Ngoài ra chúng mình còn phối hợp tổ chức các chương trình để đưa tư duy khởi nghiệp hình thành trong cộng đồng sinh viên”, Duy Hoàng, thành viên CLB, chia sẻ.
“Đối với sinh viên khởi nghiệp thì ý tưởng rất quan trọng. Khi đã có mục tiêu định sẵn, chúng ta sẽ nỗ lực để đạt được kết quả. Và với những bạn thực sự có đam mê khởi nghiệp sẽ tự tìm hiểu, học hỏi để tìm ra ý tưởng cho bản thân mình”, Hồ Thị Huyền, sinh viên Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, chia sẻ sau khi tham gia chương trình.
Mỹ Duyên
 

Số lần xem trang: 2114

Liên kết doanh nghiệp