Cải cách giáo dục, theo ông, đúng nghĩa là gì?

- Là đổi mới một cách căn bản, làm thay đổi nền giáo dục. Căn bản là gốc rễ. Tức là đổi mới tận gốc rễ. Nói vậy để nhận thức là phải đổi mới rất nhiều, chứ không phải theo nghĩa đen là đào hết gốc rễ lên (sẽ chết). Trong công cuộc đổi mới ấy phải luôn bám chắc sứ mệnh của giáo dục là phát triển con người. Không phải là một ngành thương mại thuần túy, để bị chìm nổi trong thị trường, bởi mục đích lợi nhuận và đồng tiền, mặc dù phải “hạch toán” hiệu quả.

Hai năm trước, trong Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản nền giáo dục đã thể hiện hai giá trị cốt lõi (theo tôi) là chuyển nền giáo dục từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang xây dựng nhân cách, phát triển năng lực người học và chuyển nền giáo dục từ chỗ còn khép kín, đứt đoạn, chia cắt thành nền giáo dục mở, liên thông gắn với xã hội học tập.

Hai yêu cầu ấy nhằm hướng đến nâng cao chất lượng, phù hợp với xu thế phát triển khách quan mà trước sau gì cũng phải tiến đến. Tiến nhanh thì tốt cho dân tộc. Tiến chậm thì kìm hãm, lạc hậu và tụt hậu. Theo chỗ tôi biết thì các cường quốc có nền giáo dục tiên tiến đều đã trải qua nhiều lần cải cách giáo dục.

Một vài thập niên gần đây nhiều nước Châu Âu đã chủ trương cải cách giáo dục để giữ vị thế là trung tâm phát triển của thế giới; nước Mỹ chủ trương cải cách giáo dục để giữ vị trí là cường quốc hàng đầu trên thế giới; nước Nga và Trung Quốc cũng chủ trương cải cách giáo dục để tiến lên thành các siêu cường… Ngay cả Trường Đại học Harvard - Mỹ, một trường danh tiếng hàng đầu của nền giáo dục Mỹ, và thế giới, cách đây mấy năm cũng đã có chủ trương cải cách giáo dục vì thời đại đang có nhiều biến đổi.

Phải chăng chúng ta vẫn chưa đi tận gốc - đơn giản chỉ là dạy cho con người biết tự chủ, tự truy tầm chân lý của cuộc đời, trở thành con người có đạo đức, có trí tuệ, thể chất tốt và biết thực hành?

- Đúng là nền giáo dục tiên tiến giúp cho người học biết “tự chủ”, đó là yêu cầu quan trọng hàng đầu. Không thể kéo dài cách giáo dục theo kiểu áp đặt một chiều, làm cho con người thụ động, xơ cứng, chỉ biết học thuộc, nói theo, nghĩ theo, làm theo, không có phản biện, không có phân tích, không có chính kiến riêng. Cần phải chuyển nền giáo dục theo hướng tạo ra những con người biết tự chủ, độc lập tư duy, biết phản biện, kể cả luôn phản biện với chính mình, biết tự mình tìm chân lý, biết đối thoại, biết hợp tác, biết sống cùng, biết tôn trọng tính đa dạng trong văn hóa để cùng đi đến thống nhất.

Yêu cầu của công cuộc đổi mới như đã nói ở trên, hướng đến phát triển năng lực con người cũng bao hàm yêu cầu biết tự chủ. Năng lực bao giờ cũng là cái tự nó, phát triển chính nó, không thể vay mượn, không thể áp đặt mà tạo ra năng lực. Công việc của người thầy trở nên khó khăn hơn rất nhiều so với cách dạy truyền thụ kiến thức áp đặt một chiều.

Bây giờ, người thầy đương nhiên là nhà giáo dục đồng thời còn phải là nhà văn hóa, khoa học, là nghệ sĩ. Người thầy không phải là bề trên luôn áp đặt tư duy bắt người học phải theo mình, giống mình, y như mình, dưới cái bóng của mình, không thể thoát ra, không được vượt lên, không thể hơn thầy, hơn sách.

Người thầy phải là người bạn lớn đồng hành với học sinh trong quá trình đi tìm chân lý, luôn đối thoại bình đẳng để kích thích thói quen tự “suy nghĩ” của học trò, giúp cho học trò phương pháp tiếp cận, phát triển khả năng tự giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, có thể vượt thầy, vượt sách. Nói như thế để thấy công việc đổi mới giáo dục không thể nghĩ đơn giản mà phải có cách tiếp cận khoa học, kể cả nghệ thuật nữa.

Việc thay đổi trong kỳ thi 2 trong 1 (đại học - tốt nghiệp PT) vừa qua gây ra sự hoang mang, xáo trộn rất lớn cho phụ huynh, học sinh. Theo ông, chúng ta nên xem lại điều gì?

- Về kỳ thi quốc gia 2 trong 1 vừa qua, việc đánh giá toàn diện về nó xin để các cơ quan liên quan và các nhà khoa học, các nhà quản lý đánh giá. Tôi chỉ xin nêu vài ý kiến ban đầu có thể chưa đầy đủ về thông tin, để bạn đọc tham khảo. Việc ra đề thi có một số đổi mới theo hướng đúng là nhằm kiểm tra năng lực, tất nhiên còn phải hoàn thiện nhiều nữa, nhưng bước khởi đầu được như vậy cũng là đáng khích lệ.

Tôi cũng có nghe một số ý kiến đánh giá là kết quả thi có thực chất hơn so với các lần thi trước. Hai cuộc thi quốc gia gần nhau còn lại 1 cuộc thì mới nghe qua dễ cảm thấy nó gọn hơn, tiết kiệm công sức hơn. Tuy nhiên, đến phần tuyển sinh cho đại học thì có vẻ rối loạn, bất ổn, nghe nói phần mềm phục vụ công việc này quá kém.

Theo tôi, cần phải nghiên cứu để sang năm trở đi làm cách khác tốt hơn, không nên làm như thế này nữa. Làm thế nào cho tốt thì phải thảo luận kỹ, riêng tôi cũng xin mạnh dạn nêu ít ý kiến để tham khảo. Với phương diện quốc gia chỉ làm một cuộc thi đó là tốt nghiệp phổ thông.

Cũng có ý kiến bảo rằng, chỉ cần một cuộc thi tuyển đại học chứ không cần cuộc thi kết thúc phổ thông. Ý kiến đó cho rằng, thi đỗ 98% (tức là gần như đỗ tất cả) thì thi làm gì cho tốn công sức. Mặt khác, suốt quá trình 12 năm, năm nào cũng học xong rồi, cũng kiểm tra rồi, đi qua rồi, nay tổng cộng lại nghĩa là đủ điều kiện tốt nghiệp rồi không cần phải tổ chức cuộc thi nữa.

Tuy nhiên, tôi lại nghĩ khác, cần quản lý chặt chẽ đầu ra và thoáng mở đầu vào. Còn việc đỗ 98% thì điều chỉnh cách khác để đảm bảo thực chất. Đầu ra của phổ thông cần phải có thi để giữ chất lượng, để so sánh giữa các trường, các khu vực và để rút kinh nghiệm nên bổ khuyết điều chỉnh điều gì trong quá trình giảng dạy để có chất lượng toàn diện hơn. Phổ thông là nền tảng để phát triển lâu dài về sau, vì vậy cần phải quản lý đầu ra cho tốt để góp phần bảo đảm chất lượng chung.

Cuộc thi tốt nghiệp phổ thông ấy, học sinh đã ngồi đâu khi học thì nay cứ ngồi đó để thi, không việc gì phải di chuyển. Mỗi lần thi quốc gia để tuyển sinh đại học, kể cả cuộc vừa rồi, là cả triệu học sinh phải di chuyển, thêm một vài triệu người trong gia đình cũng di chuyển theo để phục vụ, để giúp đỡ, rồi ở các thành phố cũng rộ lên các phong trào tình nguyện giúp đỡ học sinh đi thi (mặc dù tinh thần tương trợ ấy đáng quý), cả nước nhốn nháo lên. Làm gì mà phải vất vả vậy.

Đề thi tiếp tục theo hướng đánh giá năng lực chứ không phải kiểm tra trí nhớ về kiến thức sách vở. Cho mang tài liệu vào phòng thi nếu muốn. Sẽ không còn chuyện gian lận trong việc mang tài liệu, giám thị cũng không phải rình bắt tài liệu. Rồi cũng sẽ chẳng ai mang tài liệu nữa nếu như đề thi có tính chất tổng hợp suy luận, giải quyết vấn đề… Thang điểm của cuộc thi này cho phân hóa rộng hai đầu để dễ nghiên cứu đánh giá, phân tích và các trường đại học có thể tham khảo, với nghĩa đó tức là cuộc thi tốt nghiệp phổ thông đã góp phần cho sơ tuyển đại học.

Còn tuyển sinh đại học là việc của từng trường đại học. Việc ấy cũng phù hợp với tinh thần tự chủ đại học.

Qua nhiều cải cách, và gần đây là kế hoạch giảm tải cho học sinh từ tiểu học lên phổ thông, hệ thống giáo dục vẫn phải vang những hồi còi báo động. Đó là một xã hội chưa đặt thực học lên đầu, vẫn thành tích, gian dối, vẫn chuyện suy thoái đạo đức của một bộ phận học sinh… Ông nghĩ sao về điều này?

- Một nền giáo dục thực học, thực nghiệp là một nền giáo dục tốt. Không có bệnh thành tích, không giả dối, không gian lận, không bán điểm mua bằng. Nền giáo dục của ta quả là còn rất nhiều biểu hiện chưa phải thực học, vẫn bệnh thành tích và nhiều tiêu cực, tình hình đó là có thật, mặc dù không vơ đũa cả nắm. Đối mặt với sự thật, phải đau lòng, phải xót xa với các tiêu cực để tìm mọi biện pháp giải quyết.

Các nhà quản lý và các nhà khoa học cứ thảo luận thẳng thắn đi, chắc chắn sẽ rõ các giải pháp khắc phục. Tôi chỉ là một ý kiến nhỏ. Theo tôi phải thay đổi cách đánh giá và sử dụng con người, tôn trọng thực chất, năng lực thực có, còn bằng cấp chỉ là để tham khảo, bổ sung thông tin. Hết sức khuyến khích việc tự học, thông qua công việc mà học, có tinh thần tự chủ, tự trọng, trung thực, tinh thần dấn thân trong khoa học và tinh thần lập nghiệp trong công việc, xã hội và truyền thông cũng cần thay đổi cách tôn vinh, các cơ quan làm công tác cán bộ cũng cần thay đổi phương pháp quy hoạch, lựa chọn cán bộ để bố trí sử dụng, làm sao cho mọi người tiếp cận với thực học, chứ không chạy theo bằng cấp một cách hình thức.

Gần đây, nhiều vụ giết người, đâm chém, ẩu đả, bạo lực xảy ra trong giới trẻ, trên ghế học đường, và ngay cả quan hệ giữa thầy cô - học sinh, học sinh với học sinh cũng đậm chất… bạo lực. Nhiều nhà xã hội, tâm lý học phân tích, đó là do sự thất bại về giáo dục trong nhà trường và gia đình. Vì sao ngành giáo dục lại không qua khỏi bài “trắc nghiệm” này, theo ông?

- Tất nhiên tình hình đó có trách nhiệm của nhà trường và gia đình. Trách nhiệm lớn chứ không phải nhỏ. Đó là sự chưa thành công trong giáo dục nếu như không muốn nói là thất bại. Và tôi nghĩ không chỉ có trách nhiệm của nhà trường và gia đình mà còn có trách nhiệm chung của xã hội, của người lớn, của các nhà lãnh đạo và quản lý các cấp. Gần đây, chủ trương đổi mới giáo dục có yêu cầu tập trung cho phát triển nhân cách.

Trên lĩnh vực văn hóa cũng nhấn mạnh xây dựng nhân cách và yêu cầu sự gương mẫu của người lớn, của cán bộ lãnh đạo quản lý, coi đó là giải pháp hàng đầu. Việc đổi mới cơ chế quản lý xã hội cũng rất quan trọng. Những chủ trương ấy nhằm góp phần khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội. Trong đó về mặt cơ chế, theo tôi, cần quan tâm yêu cầu bảo đảm khả năng khống chế mặt trái của cơ chế thị trường và kiểm soát hạn chế tối đa mặt trái của cơ chế quyền lực do sự tha hóa gây nên.

v Không phải chúng ta thiếu người tài, mà nhiều sinh viên giỏi, nhiều giáo sư tiến sĩ đã không trở về nước, bởi họ không có môi trường để nghiên cứu, giảng dạy tốt. Vậy một cơ chế nào là cần thiết để có thể sử dụng người tài hợp lý mà không để “chảy máu chất xám” và “tị nạn du học” như hiện nay, theo ông?

- Thiếu vẫn thiếu, “thừa” vẫn thừa. Đến nay, theo tôi, chúng ta vẫn chưa có được một nền giáo dục đại học thực thụ và hiện đại. Vì vậy, nhiều tiến sĩ, kể cả giáo sư của chúng ta không phải ai cũng có chất lượng tốt. Tất nhiên không được phủ nhận tất cả, không vơ đũa cả nắm, trong đất nước vẫn có những nhà khoa học đáng kính. Mặt khác đúng là chưa có một cơ chế tốt để sử dụng những người tài, họ được đào tạo ở trong nước và kể cả ở nước ngoài về nước chưa được phát huy. Cũng có phần của môi trường và điều kiện làm việc, nhưng có lẽ quan trọng nhất là cơ chế. Vì vậy, vẫn có tình hình chảy máu chất xám và tị nạn du học như chúng ta đã biết.

Một mặt cần phải tôn vinh những người tài, mặt khác phải tạo cơ chế, môi trường và điều kiện làm việc để phát huy họ, bắt đầu từ việc lựa chọn người, cạnh tranh lành mạnh, minh bạch thông tin và công việc, đánh giá cán bộ trên cơ sở hiệu quả công việc (chứ không phải bà con, thân quen hay quan hệ phong bì) để bố trí sử dụng hợp lý và hiệu quả. Mặt khác, cũng phải chuẩn bị cho sinh viên một tinh thần tự cường, tinh thần lập nghiệp, khuyến khích họ lao vào thực tế vượt qua khó khăn làm nên sự nghiệp.

Phân tích đi rồi phân tích lại, liệu nền giáo dục của chúng ta đã vì con người chưa, theo ông? Hay còn thiếu vắng tính nhân văn, tính đề cao tinh thần mã thượng, lòng trắc ẩn?

- Nếu nói thiếu vắng hoàn toàn tính nhân văn thì không phải, nhưng theo tôi nền giáo dục của ta chưa giàu tính nhân văn, đây là việc rất đáng lưu ý. Vì vậy trong đổi mới giáo dục lần này cần đặt mục tiêu hàng đầu cho nhân cách.

Liệu có phải chúng ta đang theo đuổi việc xây dựng một nền giáo dục không giống ai không, thưa ông?

- Nếu nói ta đang theo đuổi một nền giáo dục không giống ai thì quá lời, tôi không nghĩ là chúng ta đang muốn làm điều kỳ quặc. Chỉ có điều là ta chưa đạt được kết quả tốt về những giá trị phổ quát của một nền giáo dục tiên tiến, nhất là giáo dục đại học. Mặt khác, giáo dục của bất kỳ nước nào cũng có những đặc điểm riêng liên quan đến đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh của dân tộc và quốc gia ấy.

Nói về dân trí, nhiều người cho rằng, một đất nước mà nền giáo dục không cho ra những con người ưu tú, chỉ là những con người thụ động, phải xoay trở, chạy chọt để thích ứng với mặt trái của xã hội, thì làm sao có phát triển được. Xin ông cho biết, mặt bằng dân trí chung của Việt Nam so với khu vực ra sao? Vì sao người Việt ra nước ngoài lại chỉ mang tiếng xấu?

- Mặt bằng dân trí chung của Việt Nam so với các nước trong khu vực thì tôi chưa có tư liệu cụ thể, nhưng tôi nghĩ rằng, với những yếu kém của nền giáo dục, nhất là giáo dục đại học ở nước ta, nên rất có thể chúng ta bị tụt hậu. Theo đánh giá của WB thì chỉ số giáo dục của Việt Nam năm 2012 là 2,99 (thấp hơn bình quân của thế giới là 4,25, còn bình quân của khu vực là 5,26, ta được xếp thứ 113, thấp hơn Hàn Quốc, Malaysia, Philippines và Indonesia, theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 3.9.2015).

So với các nền giáo dục tiên tiến thì học sinh Việt Nam nói chung năng lực tự lập, tự chủ kém hơn. Thỉnh thoảng ta nghe thông tin về việc người Việt Nam ra nước ngoài mang tiếng xấu là do kém nhân cách, thiếu trung thực và tự trọng, điều này có trách nhiệm của nền giáo dục và công tác xây dựng văn hóa của Việt Nam.

Phương châm “xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa” cần thay đổi ra sao, theo ông?

- Nói về việc xây dựng con người thì dài lắm, nhiều vấn đề lắm, kể cả nội dung, phương pháp, phương châm nhưng theo tôi có thể tóm lược như sau: Con người mới không phải là những con người thụ động, giả dối, vô cảm và ích kỷ cá nhân mà phải là những con người tự chủ, sáng tạo, trung thực, nhân ái, có trách nhiệm với cộng đồng. Một cách diễn đạt khác đó là phát triển tối đa mặt con người cá nhân (không phải cá nhân chủ nghĩa) trên nền tảng của con người cộng đồng (không phải bị san bằng, hòa tan).

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: theo laodong.com.vn (Nhật Lê)