Từ ngày 04 đến 06 tháng 05 năm 2015, BM. Công nghệ Sinh học đã tổ chức chuyến tham quan thực tế Nông nghiệp Công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt – Lâm Đồng. Tham gia chuyến đi gồm 10 sinh viên (năm thứ nhất, năm thứ hai và năm thứ ba) nhóm nghiên cứu và sản xuất cây dược liệu tại Bộ môn và một giảng viên hướng dẫn.

Ngày đầu tiên đến với Thành phố Festival Hoa, cũng là thành phố sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hàng đầu của cả nước. Nhóm sinh viên tham quan hệ thống nhà kính, nhà lưới trồng hoa, rau ở nhiều hộ nông dân. Chủ động gặp gỡ, trao đổi, học hỏi những kỹ thuật và kinh nghiệm của các cô chú làm vườn, đã phần nào cho các bạn hình dung quy trình chăm sóc, sản xuất một loại nông sản.

Điểm dừng chân thứ hai trong ngày là trường Đại học Đà Lạt, nhóm sinh viên được sự hướng dẫn trực tiếp, rất tận tình và vui vẻ của PGS. TS. Nguyễn Văn Kết – Phó hiệu trưởng nhà trường. Thầy Nguyễn Văn Kết giới thiệu về chức năng và hoạt động của các phòng thí nghiệm Công nghệ Sinh học, phòng thí nghiệm phân tích Nông học, phòng thí nghiệm Công nghệ Vi sinh, phòng thí nghiệm Công nghệ Nấm, phòng thí nghiệm Côn trùng, phòng thí nghiệm phân tích Môi trường. Ngoài ra, nhóm sinh viên còn được thầy chia sẽ rất nhiệt tình về định hướng học tập và nghiên cứu, một số kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu khoa học của thầy. Càng tiếp xúc, trò chuyện và được chia sẽ với thầy, các bạn sinh viên cảm thấy được sự gần gũi và mạnh dạn hơn trao đổi những suy nghĩ, định hướng học tập và nghề nghiệp.

 Nhóm sinh viên chụp hình lưu niệm với PGS. TS. Nguyễn Văn Kết –
Phó hiệu trưởng trường Đại học Đà Lạt.

Điểm tham quan tiếp theo (ngày 05/05/2015) là phòng Sinh học phân tử và chọn giống cây trồng, thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên. Nhóm sinh viên được anh Nguyễn Xuân Tuấn (đang là nghiên cứu sinh) hướng dẫn và giới thiệu về phòng thí nghiệm. Sau đó, nhóm được gặp gỡ, trò chuyện và cùng chia sẽ với PGS. TS. Dương Tấn Nhựt (Phó viện trưởng Viện Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên; Trưởng phòng phòng Sinh học phân tử và chọn giống cây trồng). Thầy giới thiệu về chức năng và hoạt động của Phòng, gần gũi chia sẽ về những nguyên tắc làm việc và nguyên tắc sống trong quá trình nghiên cứu khoa học cũng như định hướng học tập và nghiên cứu trong tương lai. Điều quan trọng là những điều thầy sẽ chia không được dạy ở giảng đường đại học, mà sinh viên phải chủ động góp nhặt trong quá trình nghiên cứu, quá trình tiếp xúc với các các anh chị, thầy cô, những người đã thành nhân, thành danh trong những môi trường có tính kỷ luật thật sự tốt. Sau buổi trò chuyện, các bạn sinh viên được thầy ưu ái mời dùng cơm cùng với nhóm nghiên cứu tại phòng.

 

Trưa cùng ngày, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng kỹ thuật Nông nghiệp Lâm Đồng là điểm đến thứ tư của nhóm. Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng đã ứng dụng Công nghệ Sinh học trong nhân giống, trở thành địa chỉ quen thuộc, tin cậy trong việc cung cấp các loại cây giống cấy mô như cẩm chướng, ngàn sao, sao tím, đồng tiền, dâu tây, khoai tây, địa lan và một số chủng loại hoa trồng chậu cho người nông dân ở thành phố Đà Lạt. Nhóm được các anh chị Kỹ thuật viên hướng dẫn và giới  thiệu hệ thống phòng sản xuất cây giống bằng công nghệ Nuôi cấy mô – tế bào thực vật và vườn ươm cây giống quy mô sản xuất. Đến đây, các bạn sinh viên đã hình dung được sự khác nhau rất lớn giữa quy mô nghiên cứu và quy mô sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. Các bạn đã được thấy quy mô sản xuất thực tế và được trao đổi với người quản lý kỹ thuật về quy trình làm việc chuyên môn hóa của một đơn vị sản xuất.

 Nhóm sinh viên chụp hình lưu niệm với anh quản lý phòng sản xuất của Trung tâm
Nghiên cứu Ứng dụng kỹ thuật Nông nghiệp Lâm Đồng.   
      

 

Điểm cuối cùng nhóm được tham quan mô hình nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt là hệ thống vườn hiện đại của một Nông dân trí thức, một doanh nhân trẻ đầy nhiệt huyết và tham vọng. Thạc sỹ Nguyễn Đức Huy đã từng là sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM và có thời gian nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên với sự hướng dẫn của PGS. TS. Dương Tấn Nhựt; nay là ông chủ của một chuỗi farm cà chua và ớt chuông được canh tác sử dụng công nghệ cao- kỹ thuật trồng thủy canh, tưới nhỏ giọt điều khiển tự động bằng máy vi tính để tạo ra những vườn Ớt chuông (giống Hà Lan) và Cà chua chùm an toàn có năng xuất và chất lượng cao. Anh Huy chia sẽ “Anh đã tìm tòi học hỏi những gì anh cần để tự mình thực hiện xây dựng một vườn như thế này, từ quy trình kỹ thuật trồng cây, liên hệ các doanh nghiệp nước ngoài nhập hạt giống, phân bón, bạt, lưới, ống nước… đến việc viết chương trình cho hệ thống điều khiển tưới nhỏ giọt bằng máy tính từ xa cho vườn của mình”. Ngoài ra anh còn chia sẽ “Anh đang tạo dựng hệ thống cung cấp sản phẩm của mình đến các các nhà hàng, khách sạn cao cấp ở TP. HCM và các tỉnh khác trong cả nước”. Đến đây, các bạn sinh viên tiếp tục bổ sung vào cái nhìn trọn vẹn hơn về Nông nghiệp công nghệ cao, tiếp cận với một Nông dân hiện đại tri thức, trẻ trung, năng động và tràn đầy tham vọng vươn xa trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời anh còn chủ động tạo cơ hội kiến tập và thực tập cho các bạn sinh viên đại học Nông Lâm TP. HCM tại vườn.

 

 Nhóm sinh viên chụp hình lưu niệm với anh Nguyễn Đức Huy.
          

Ngày thứ ba, trên đường trở về TP. HCM, nhóm sinh viên được phép ghé thăm trang trại Nấm Ming Loan tại Xã Phú Hội, Thôn B're, huyện Đức Trọng. Hệ thống làm phôi nấm được thực hiên tự động hóa hoàn toàn bằng máy móc từ khâu sàng lọc, phối trộn giá thể, đóng bịch phôi, hấp khử trùng, đến giai đoạn cấy meo nấm vào bịch phôi và đến nhà để ủ phôi đều có đường ray để đẩy các kệ đi mà không cần quá nhiều sức lao động con của con người. Quy mô nhà trồng nấm gồm 12 nhà trồng nấm mộc nhĩ (15.000 phôi/nhà trồng) và 3 nhà trồng nấm bào ngư, và cung cấp phôi cho các hộ nông dân.

Sau 3 ngày tham quan mô hình nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Các bạn sinh viên đã được nhìn thấy trọn vẹn bức tranh nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào sản xuất Nông nghiệp từ phòng sản xuất cây giống cho đến vườn trồng cây theo công nghệ hiện đại, có tầm nhìn khái quát hơn mối quan hệ giữa các nhà khoa học – Nông dân – Doanh nghiệp.

 

 

Thanh Mai tổng hợp

 

 

Số lần xem trang: 2120

Liên kết doanh nghiệp