Sau hàng chục năm quẩn quanh dưới hình thức món ngọt “tự cung, tự cấp” trong các gia đình nông thôn, thế rồi vào dịp Tết Giáp Ngọ, mứt chuối sứ (chuối xiêm đen) như cô thôn nữ lột xác đăng quang hoa hậu khi trở thành món ăn đặc sản của giới thị dân dưới tên mới: Mứt chuối phồng và đang rục rịch chinh phục người sành ăn bên kia đại dương. Người tạo ra “kỳ tích” này là cô gái thế hệ 8X xứ quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), xuất thân từ kỹ sư công nghệ thông tin: Nguyễn Thị Các Thủy. 

 

 

 

 

Công đoạn sên (xào) chuối.

“Dùng thử miếng mứt chuối phồng (MCP) rồi cảm nhận trước, chờ em xử lý mấy cái e-mail rồi trao đổi sau, khách hàng hối quá, anh thông cảm nhé”. Nhìn “cô chủ nhỏ” Các Thủy tay điện thoại, tay lướt bàn phím, rồi thỉnh thoảng “chỉ đạo” nhóm thợ cắt bánh, sên chuối (ngào với đường)... tôi đã phần nào cảm nhận được sự “ăn nên làm ra” của MCP mang thương hiệu “Nhà Tư Bông” (Tư Bông là tên cha của Các Thủy). 

Xuất thân từ dân “Hai lúa”, nên tôi có hàng trăm lần nếm trải đủ các dạng mứt chuối được chế biến từ nguyên liệu chuối khô lẫn chuối tươi... Thế nhưng ngay cái nhìn đầu tiên, MCP “Nhà Tư Bông” đã mang đến cho tôi sự bất ngờ như chứng kiến sự “lột xác” kỳ diệu của cô thôn nữ vừa trút bỏ bộ bà ba mộc mạc, để khoác lên mình chiếc váy lộng lẫy... 

Khác với miếng mứt chuối truyền thống: Tươm mật âm ẩm, y ỷ rất bất tiện... mỗi lần ăn phải dùng muỗng múc... MCP không chỉ khô ráo, lịch sự và tiện dụng suốt cả 4 mùa như chiếc bánh Tây, mà còn đẹp mắt bởi đường nét màu trắng cách điệu hình trôn ốc nổi bật lên bề mặt miếng mứt màu vàng mật, nhấn nhá chút vàng rượm của đậu phộng rang vàng, của hạt mè li ti... 

“Điều tạo nên sự khác biệt ở đây chính là đưa bánh phồng vào mứt” - Các Thủy chia sẻ - “Ngoài tác dụng như khoác lên chiếc áo, tạo cho miếng mứt tiện dụng khi thưởng thức, ngon mắt từ cái nhìn bên ngoài, mà độ giòn tan của miếng bánh phồng còn mang đến người thưởng thức những thanh âm giàu cảm xúc...”. Tuy nhiên, chất lượng bên trong mới thực sự là nét độc đáo của sự kết hợp nguyên liệu đồng bộ có sẵn quanh vườn nhà, như: Chuối sứ (xiêm đen), đậu phộng, mè, dừa. 

“Giòn rụm - ngọt dịu - thơm cay, beo béo mà không gây ngấy...” - đó là cảm giác mới lạ từ món mứt mà tôi cứ ngỡ như đã am tường đến chân tơ, kẽ tóc. Vẫn là chuối sên đường đấy, vẫn hồn phách mứt chuối quê mùa, nhưng giờ đây vị ngọt đã dịu dàng, không còn “găng gắt” nơi cổ họng như ngày trước. “Bí quyết gì?” - tôi tò mò. “Giảm bớt 50% đường theo công thức truyền thống, vừa bắt đúng xu thế thời đại: Giảm bớt chất ngọt trong khẩu phần, vừa phát huy triệt để vị ngọt, mùi tự nhiên của chuối” - Các Thuỷ bộc bạch thêm - “Các gia vị tăng thêm, như đậu phộng, mè, nước cốt dừa, gừng được tăng - giảm một cách hợp lý theo mùa thời gian và khẩu vị đặc thù của từng miền vùng”. 

Chính điều này đã tạo cho MCP chiều sâu ẩm thực. Một đồng nghiệp ở Báo Đồng Tháp đã rất chí lý khi chia sẻ: “Thưởng thức MCP là thưởng thức tiếng giòn rụm, vị beo béo tự nhiên của đậu phộng nguyên hạt, cùng chút thơm nhấn nhá của hạt mè, rồi mùi thơm beo béo của cốt dừa, cay cay se đầu lưỡi của gừng thái chỉ... Tất cả hoà quyện vào nhau tạo ra tầm vóc hiện đại cho món ăn truyền thống”.

Vào web làm… bếp

“MCP ra đời từ sự tình cờ à?” - tôi hỏi đi hỏi lại, vì sợ mình nhầm lẫn nguồn gốc của món bánh ngọt “ăn nên làm ra” khi đạt mức tiêu thụ đến vài tấn thành phẩm/tháng chỉ sau thời gian ngắn xuất hiện trên thị trường. “Đúng vậy” - Các Thuỷ chân tình - “Học công nghệ thông tin, làm việc trong công ty phần mềm, rồi đơn vị chế biến thuỷ sản nước ngoài, nên việc đến với mứt chuối phồng rất tình cờ”. 

Chuyện bắt đầu khi người cha lệnh “gom” “công chúa” kỹ sư đang ổn định việc làm ở các nơi về nhà với mong ước duy nhất là góp phần xây dựng quê hương. Bỏ công việc với mức lương xấp xỉ 20 triệu đồng/tháng và nhiều cơ hội thăng tiến, Các Thủy về quê với ý định mở cơ sở kinh doanh nấm do các chú bác nông dân trong xóm sản xuất. Tuy nhiên vào giờ chót, chủ mặt bằng “trở quẻ” nên lỡ làng... 

Thời gian này, thỉnh thoảng Các Thuỷ lên TPHCM thăm bạn bè cũ. Và để làm quà “lấy thảo”, Các Thủy chọn món mứt chuối mà mẹ hay chế biến cho cả nhà ăn trong dịp tết. Tuy nhiên, sau khi nghe mấy đứa bạn “rù rì”: “Mứt chuối “trần trụi”, vừa thiếu đẹp mắt, vừa bất tiện khi ăn”, tự ái trổi lên, Các Thủy nghĩ cách “may” cho nó chiếc áo mới. 

“Quyết định này có liều lĩnh không, khi mình là dân ngoại đạo...”. Không đợi tôi dứt lời, Các Thủy tự tin, cái tự tin của thế hệ 8X: “Ngược lại còn là lợi thế, vì dễ dàng tiếp thu các kinh nghiệm khác nhau trong thời bùng nổ thông tin”. Tuy nhiên, để đi đến hình hài như ngày nay là cả chặng đường thử thách. Bởi làm mứt ngon đã khó, còn làm mới món mứt đã định hình lại càng khó hơn. 

Các Thuỷ nhớ lại: “Riêng việc đưa bánh phồng vào mứt mà vẫn ngon giòn, không bị bể vụn là cả câu chuyện dài của mồ hôi và cả nước mắt”. Bởi đặc tính của bánh phồng là giòn tan, rất dễ bể vụn, còn nếu để mềm thì lại mất độ giòn của miếng mứt. Sau nhiều lần suy tính rồi thử nghiệm và liên tiếp đối mặt với thất bại, Các Thủy mới đúc kết được công thức thành công: “Mứt chuối sau khi sên tới, đưa thẳng từ lò xuống cán mỏng trên nền bánh phồng đã nướng giòn và được phơi sương lúc tờ mờ sáng. Sau đó nhanh tay cuộn lại từ ngoài vào trong thành cuộn tròn thật chặt, rồi mới cắt ra thành khoanh có độ dày khoảng 0,8cm”.

Việc phơi sương làm bánh phồng “dẻo tạm thời” là minh chứng cho thế mạnh “công nghệ”. Ngoài việc tiếp thu kinh nghiệm phơi sương của bánh tráng Trảng Bàng (Tây Ninh), Các Thuỷ còn trao đổi, tham khảo và rút tỉa từ nhiều ý kiến trên cộng đồng mạng để tìm ra bước đi riêng mới về an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu... Nhờ đó mà song song với việc có được “chiếc áo” mới ngon miệng, giòn tan và đẹp mắt... MCP còn được cơ quan y tế công nhận đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và nhất là phát huy cao nhất tính chất “bài thuốc” từ món ăn. 

“Chuối là trái cây duy nhất hội tụ đủ thành phần dinh dưỡng cần thiết cho con người, nhưng theo đông y, đây là món ăn có tính hàn, vì vậy vấn đề là thêm vào vị gừng sao cho vừa đủ hài hoà dược tính, nhưng cũng vừa đủ tạo cảm giác se se đầu lưỡi người thưởng thức” - Các Thủy tự hào. 

Vươn ra biển lớn

Toạ lạc bên bờ kênh Ranh (ấp Tân Thạnh, xã Phong Hoà, Lai Vung), cách tỉnh lộ 853 khoảng hơn cây số đường mòn đủ lưu thông xe hai bánh, một vị thế mà theo quan niệm cũ là rất bất lợi trong kinh doanh. Thế nhưng Các Thuỷ đã biến việc “không thể” thành “có thể” bằng “lá bùa”... công nghệ thông tin. “Ngoài việc vận dụng máy móc để thiết kế hình dáng, mẫu mã, như thiết kế logo, bao bì song ngữ, hấp dẫn..., hay ứng dụng công nghệ để tăng cường quảng bá qua website, Facebook..., chúng tôi còn tận dụng các cơ hội tham gia triển lãm hàng đặc sản để triển khai nhiều kỹ năng khuyến mãi, nhằm rút ngắn thời gian quảng bá thương hiệu, như: Chấp nhận làm quà khuyến mãi với các đặc sản đã nổi tiếng của Đồng Tháp, như: Mua 10 chiếc Bì mắm Đông Nguyên (huyện Lấp Vò) tặng 1 hộp MCP, hay áp dụng khuyến mãi chi phí vận chuyển nội thành (TPHCM) với tất cả khách hàng mua 10 hộp tại đại lý chính thức (Cty TNHH DVTM Vinh Dự, số 101/A14, Quang Trung, P.8, Q.Gò Vấp)...”. Nhờ phương thức linh động này mà Các Thuỷ đã “đi tắt, đón đầu” trong kinh doanh. 

Nếu như trong tháng khai trương (11.2013) chỉ tiêu thụ được 1.000 hộp (300gr/hộp) chủ yếu ở vùng nông thôn tại chỗ, thì đến tháng 4.2014, con số này đã tăng lên 5.500 hộp, giải quyết việc làm cho 20 lao động nữ nông thôn với mức thu nhập bình quân 100.000 đồng/người/ngày (8 tiếng). Không chỉ “phủ sóng” khắp các tỉnh, thành ĐBSCL, MCP còn được 5 nhà phân phối ở TPHCM, Lâm Đồng, Đà Nẵng hợp tác tiêu thụ. “Năm 2014 sẽ kết nối với các điểm du lịch và Bắc tiến” - Các Thủy bật mí.

Bà Đặng Thị Kim Ngà nở nụ cười mãn nguyện với thành tựu của con gái Các Thủy.

Cơ hội mới với nhiều hứa hẹn lớn đang mở ra với MCP "Nhà Tư Bông". Tuy nhiên, đó chỉ là cuộc khởi động cho khát vọng vươn ra biển lớn của nữ chủ nhân sinh năm 1983 này. “Hiện đã hoàn chỉnh nhiều công thức đa dạng hoá sản phẩm MCP, trong đó có dòng cao cấp với nguyên liệu hạt điều, sữa tươi... vừa phục vụ khách có mức thu nhập cao, vừa để chinh phục khách hàng bên kia đại dương” - Các Thủy cẩn trọng: “Vốn ít, quy mô nhỏ, nên phải đi lối đi riêng với những bước đi hợp lý”. 

Các Thuỷ sẽ triển khai kinh doanh theo chiến thuật: “Vết dầu loang”. Cụ thể, việc xuất khẩu sẽ dựa vào việc khai thác con đường tặng quà cho bạn bè nước ngoài (thân quen trong những năm làm việc tại đơn vị xuất khẩu thuỷ sản ngoại quốc) ăn thử, làm bước đệm cho việc tăng tốc xuất khẩu. “Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”, tin rằng với kinh nghiệm đã thành công lúc mới khởi nghiệp sẽ giúp nữ kỹ sư công nghệ thông tin này tiếp tục đưa quà quê “đất phương Nam” chinh phục người tiêu dùng bên kia đại dương trong tương lai không xa. 

Tuy nhiên trước mắt, những thành công “ao làng” của Các Th đã gợi mở nhiều bài học thiết thực cho thế hệ trẻ về việc lựa chọn con đường “vào đời” thức thời hơn, khôn ngoan hơn.

 

 

(Nguồn: http://laodong.com.vn/phong-su/ky-su-cong-nghe-mut-chuoi-phong-194063.bld)
 


Số lần xem trang: 2117

Liên kết doanh nghiệp