Nhờ kiên trì tìm tòi, anh Bùi Ngọc Châu (31 tuổi, trú thôn Cẩm Phô, xã Tiên Cẩm, H.Tiên Phước, Quảng Nam) đã “bắt” được loại vi sinh vật có lợi, chế tạo thành công chế phẩm vi sinh để làm phân bón cho cây trồng.

'Bắt' vi sinh vật làm phân bón
 Loại phân vi sinh do anh Châu tìm ra giúp nâng cao hiệu quả cây trồng - Ảnh: Hoàng Sơn

Đó là thành quả sau nhiều năm tự nghiên cứu của chàng trai Bùi Ngọc Châu, một cử nhân tốt nghiệp Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. “Bắt” vi sinh vật không phải là điều dễ thực hiện, nhất là trong điều kiện thiếu thốn các dụng cụ thí nghiệm. Nhưng bằng niềm đam mê nghề nông, Châu quyết tâm theo đuổi để tìm ra bằng được chế phẩm giúp người nông dân. Sau nhiều lần vào các trang trại trồng trọt ở miền Nam, thậm chí qua Thái Lan tham quan những mô hình áp dụng công nghệ vi sinh, Châu bắt đầu tiếp xúc với những kiến thức để làm chế phẩm vào năm 2007. Hằng ngày, anh vào những cánh rừng ở quê mình để tìm “bắt” cho được loại vi sinh vật có lợi và đã nếm trải không ít lần thất bại. Cuối cùng, sau gần 6 năm tìm kiếm, anh phát hiện ra rằng muốn “nhử” được vi sinh vật có lợi phải sử dụng nguyên liệu là cơm làm mồi.

Có được số vi sinh vật đầu tay, anh đem về nhà để tiếp tục nghiên cứu nuôi cấy và nhân giống. Châu cho biết loại phân vi sinh do anh sản xuất có điểm khác là không dùng hóa chất trong quá trình ủ, mà chỉ cần vi sinh vật, rác thải hữu cơ, phân bò, phân heo... sẵn có tại các vùng nông thôn. “Những vi sinh vật có lợi vẫn đang được nhiều người nhập từ nước ngoài để bán. Trong nước, việc nuôi cấy vi sinh chỉ diễn ra ở các phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm lớn. Thế nên, khi biết tôi tự tìm ra vi sinh vật, nhiều người đã không tin...”, anh Châu kể và cho biết: “Chế phẩm vi sinh của tôi có tính ưu việt là trong một lít có chứa rất nhiều vi sinh có lợi. Ví dụ người ta có thể bán 1 lít vi sinh 10.000 đồng nhưng lượng vi sinh chỉ 50 - 70 con. Nhưng vi sinh do tôi nuôi cấy thì trong 1 lít có thể có 5 - 8 tỉ con, đủ sức để phân hủy rác thải và chuyển hóa dinh dưỡng cho cây trồng. Quan trọng nhất là phải kiểm soát và nuôi cấy được bao nhiêu vi sinh vật trong 1 ml...”.

Theo anh Châu, trên một diện tích canh tác khoảng 500 m2, nếu dùng phân thường, người nông dân có thể tiêu tốn khoảng 400.000 đồng. Nhưng nếu sử dụng phân vi sinh thì chỉ tốn khoảng 200.000 đồng, mà hiệu quả cao hơn.

Nhờ ứng dụng thành công tại nhiều trang trại trồng trọt mà chế phẩm của anh Châu đã được nhiều nhà nông tin dùng, đặc biệt là tại các tỉnh miền Nam. Từ năm 2012, anh tiếp tục sản xuất các sản phẩm ứng dụng công nghệ vi sinh vật như: phân bón lá, thuốc sâu phòng bệnh sinh học, đất sạch... “Người nông dân đang dần nhận rõ vai trò của vi sinh vật trong trồng trọt, bởi nó không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường. Năm nay, nhiều trang trại quy mô tại miền Nam đặt hàng mấy dự án lớn nên tôi thường xuyên có mặt trong này để giúp bà con”, anh Châu chia sẻ.

Chuyển giao công nghệ cho nông dân

 

Theo Bùi Ngọc Châu, hiện chế phẩm vi sinh do anh tìm ra chưa được bán trên thị trường nên vẫn chưa có tên hàng hóa. “Tôi tạm gọi đó là vi sinh vật hữu hiệu có lợi trong nông nghiệp. Nếu hướng dẫn cặn kẽ cho người dân thì họ vẫn có thể tự “bắt”, nuôi cấy rồi làm phân vi sinh được. Trong giai đoạn này, người nông dân chưa có điều kiện tiếp xúc nên tôi phải trực tiếp đi làm cho họ. Nhưng về sau, một khi người dân hiểu và nhận ra cái lợi thì sẽ quay lại học để tự làm”.

 

Hoàng Sơn

(Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140301/tu-tao-co-hoi-ky-6-bat-vi-sinh-vat-lam-phan-bon.aspx)

 

 

Số lần xem trang: 2110

Liên kết doanh nghiệp