TTO - Bãi rác công cộng, dọn xong lại xả. Phân loại rác vẫn chưa chuyển biến nhiều. Phải chăng chúng ta làm chậm, thiếu đồng bộ và thiếu quyết tâm? 

Sốt ruột với rác và phân loại rác - Ảnh 1.

Rác thải chất đống trên đường Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau 6 tháng phát động cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch" (sơ kết ngày 11-5-2019), TP.HCM đã xóa được 277/369 điểm đen về rác thải (chiếm 77%).

Xóa được rồi sao nữa? Sẽ giữ sạch môi trường như thế nào với hàng chục ngàn tấn rác thải mỗi ngày ở thành phố này?

Rác thách thức đô thị

Công bằng mà nói, cuộc vận động đã được nhiều ban ngành cùng vào cuộc, có tác động tích cực đến người dân. Nhiều cuộc ra quân thu dọn rác trên đường phố, kênh rạch; nhiều gia đình tự phân loại rác, thêm những người giảm dùng rác túi nhựa, nhiều con rạch đã giảm rác lềnh bềnh...

Loa phường vẫn phát thanh mỗi ngày hướng dẫn phân loại rác. Panô, apphich có đầy đủ hình ảnh phân loại rác và mức phạt xả rác nơi công cộng.

Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế: số đông người dân vẫn thờ ơ với chuyện phân loại rác và vẫn thoải mái xả rác, mọi nỗ lực chưa đủ sức thuyết phục họ. Nhiều tuyến đường, sông rạch tái diễn ô nhiễm. Chưa có sự chuyển biến rõ nét từ người dân.

Vậy rồi ai sẽ là người bảo vệ sự trong lành đã đạt được? Cụ thể, việc chụp ảnh, ghi hình người xả rác để xử phạt vẫn còn nhiều vướng mắc. Nếu không quyết liệt thực thi nghiêm sẽ không răn đe, cảnh báo với người vi phạm.

Không xả rác, hạn chế rác, không chỉ là những con số. Thành quả thật sự phải là sự thay đổi tích cực môi trường sống. TP.HCM đã xóa được trên 77% các điểm đen về rác thải nhưng giữ được thành quả này là thách thức ở thành phố 10 triệu người, số đông vẫn quen tay bỏ rác mọi lúc mọi nơi.

Việc xóa sổ 92 điểm đen còn lại vẫn đang là bài toán khó và sẽ thêm những bãi rác mới.

Phân loại rác: quá chậm!

Việc phân loại rác tại nguồn cũng là câu chuyện dài. Nhiều nơi phát giấy hướng dẫn người dân phân loại rác, quy định ngày thu gom từng loại rác, tặng cả túi đựng từng loại rác cho người dân... Nhưng rồi rác vẫn để lẫn lộn đủ loại từ trong nhà, trên xe rác. Ra đến bãi tập kết rác mọi thứ lại như cũ.

Chưa thể chế tài hoặc từ chối rác người không phân loại rác tại nhà. Các công sở, cơ quan vẫn chưa thực hiện phân loại rác. Xe rác cũ kỹ vẫn chưa kịp cải tiến, việc xử lý rác vẫn chưa có biến chuyển đáng kể.

Tôi đã từng nghĩ đến các thùng, túi đựng rác thân thiện môi trường với màu sắc, kích cỡ khác nhau, mỗi màu cho mỗi loại rác, trên đó có in hình ảnh, thông tin về loại rác sẽ bỏ vào đó. Ra chợ, vào siêu thị, tôi đã tìm mua nhưng không thấy nơi nào có bán.

Phân loại rác, cần tính cả việc thay đổi những túi đựng rác để dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ phân loại, dễ thu gom. Cần có cả túi đựng riêng cho các loại rác độc hại (thủy tinh bể, pin, bóng đèn cũ...). Việc này cần chủ trương, ý tưởng và sự chung tay của cả những doanh nghiệp in bao bì, túi rác, thùng rác.

Một ngày không xa nữa, người thu gom rác có thể từ chối không thu gom rác chưa phân loại, làm vậy được không? Rất cần làm nhanh nữa là khác! Làm vậy để nhắc nhau cùng phân loại rác và có thể bắt đầu từ công sở.

Câu chuyện phân loại rác sẽ không dễ làm nhanh, nhưng chúng ta đang làm quá chậm, thiếu đồng bộ và thiếu cả quyết tâm để có thể thấy hiệu quả sớm hơn.

Giấc mơ... Việt Nam phân loại rác

Hôm kia, tôi đã bấm bụng bỏ một ít ốc vít gỉ, mấy miếng kính vỡ vào một bao và vứt cùng với bao rác thải ra đầu ngõ. Cho đến khi đặt hai bịch rác xuống, tôi vẫn mong làm thế nào để rác không bị trộn lẫn vào nhau trên xe rác. Nhưng không biết chắc...

Hơn 20 năm trước, từ ngày đầu tiên tôi đến Nhật (Tokyo), được hướng dẫn "bạn phải phân loại rác thế này, thùng này đựng kim loại, thùng này đựng giấy, hộp, thùng này đựng chai nhựa...", tôi đã hết sức ngạc nhiên và phục họ sát đất.

Mười năm sau ngày đó, tôi có dịp chuyển chỗ ở nhiều nơi (cả nông thôn đến thành thị), cách phân loại rác có khác nhau đôi chút nhưng cơ bản là ở đâu cũng có quy định, và hay nhất là ở đâu người dân cũng tuân thủ.

Giấc mơ "Việt Nam sẽ phân loại rác" cứ lớn dần theo tôi từ ngày đó cho đến nay.

Giờ sống ở TP.HCM, được nói là văn minh nhất Việt Nam, nhưng văn hóa phân loại rác ở từng nhà vẫn còn là chuyện xa xôi. Thi thoảng tôi có thấy ở siêu thị người ta đặt vài thùng chứa các loại rác khác nhau.

Thi thoảng có nghe nói về việc nơi này, nơi kia thí điểm phân loại rác, có thời điểm sẽ hoàn thành thí điểm, sẽ bị phạt nếu không phân loại rác... Nhưng thực sự đó chỉ là vài đốm sáng le lói trong thành phố lớn này.

Mười năm qua, chưa có ai trong xóm nói với tôi chuyện phân loại rác và chưa ai làm việc này. Phân loại rác có khó không? Xin thưa, không khó nếu chúng ta quyết tâm làm.

Còn nếu chúng ta chỉ làm khơi khơi, vài nơi làm, vài siêu thị cao cấp thực hiện, mỗi phường vài khu phố... thì bao giờ trở thành thói quen của thành phố, của cả nước được.

Tôi nghĩ phải dốc toàn lực để làm. Ngành tài nguyên - môi trường đưa ra các quy định, cách làm cho từng vùng, từng thời điểm (từ dễ đến khó dần). Cần tuyên truyền đến từng nhà, có giám sát hiệu quả tuyên truyền, đưa vào chương trình học và thực hành ở trường.

Kèm theo đó, các chế tài hành vi vi phạm thực hiện nghiêm từ dễ đến khó dần. Tránh tình trạng đưa ra luật "trên trời", không thực hiện được và sẽ bị lãng quên.

Nếu không phân loại thì việc tách rác sau khi tập kết sẽ vô cùng khó khăn. Một miếng thủy tinh nhỏ găm vào trong lá bắp cải thì gần như không tách ra được. Nếu rác không tách ra thì chỉ có đem chôn hoặc đốt ở nhiệt độ rất cao, và sẽ không tái chế được.

Túi nilông hay miểng thủy tinh nếu đem chôn thì không biết bao nhiêu năm mới phân hủy, và cũng đâu có đủ đất mà chôn...

 (Nguồn: https://tuoitre.vn/sot-ruot-voi-rac-va-phan-loai-rac-20190514075326631.htm)

Số lần xem trang: 2116

Liên kết doanh nghiệp