TTO - Lãnh đạo một doanh nghiệp đã thẳng thắn đề nghị như vậy, trong buổi đối thoại 'Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa đơn vị tuyển dụng - doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong lĩnh vực sinh học - công nghệ sinh học'.

Bà Nguyễn Thanh Tâm cho rằng các trường đại học đang khiến sinh viên lười nhác, thụ động - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Buổi đối thoại do Khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức sáng nay 11-1 với sự tham dự của gần 50 đơn vị sử dụng lao động. Tại buổi đối thoại, ý kiến thẳng thắn của bà Nguyễn Thanh Tâm - giám đốc Công ty TNHH BCE Việt Nam - đã khiến các trường đại học phải suy nghĩ. Tại đây, nhà trường đưa ra khảo sát nhu cầu của nhà tuyển dụng về các kỹ năng sinh viên cần có, nhưng nhiều doanh nghiệp đều cho biết những doanh nghiệp liên quan đến khoa học công nghệ yêu cầu nhiều hơn nữa là khả năng chuyên môn.

Sinh viên giỏi không trả lời được kiến thức cơ bản

Với 24 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ sinh học, bà Nguyễn Thanh Tâm đã phỏng vấn tuyển dụng hàng trăm sinh viên. Khi phỏng vấn tuyển dụng, bà Tâm cho biết cảm thấy rất khó chịu vì với những câu chuyên môn đơn giản liên quan đến sinh học phân tử cơ bản, nhưng rất nhiều sinh viên tốt nghiệp khoa sinh các trường đại học trên cả nước không trả lời được. Thậm chí, có những sinh viên được yêu cầu ghi lại những câu hỏi đó, về tìm hiểu trong vòng một tuần rồi quay lại… nhưng khi trở lại các sinh viên này vẫn không trả lời được. Trong khi những câu hỏi đó có thể tra cứu trên Google. Bà Tâm cho biết với những sinh viên không trả lời được bà phải buộc phải dừng phỏng vấn. "Bản thân chúng tôi tốt nghiệp ngành này vài chục năm trước với kiến thức rất cơ bản và phải tự học rất nhiều, trong khi ngày nay sinh viên có nhiều điều kiện với 4 năm trên giảng đường tại sao lại không chịu học? Đến mức có những sinh viên tôi phải nói thẳng khi ra đường bạn đừng nói mình là sinh viên sinh học, tôi thực sự xấu hổ khi có những đồng môn như bạn. Đây là điều tôi hết sức đau khổ nhưng đành phải nói", bà Tâm bày tỏ. Bà Tâm còn cho biết bà từng phỏng vấn nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ngành sinh học. Với sinh viên giỏi khi được hỏi xu hướng phát triển công nghệ sinh học, kỹ thuật sinh học… ít nhất cũng phải biết được kiến thức cơ bản nhất, nhưng đa phần sinh viên này trả lời được. "Hình như các thầy chấm điểm cho sinh viên quá dễ? Một giảng viên thừa nhận với tôi là phải chấm điểm nới tay cho sinh viên. Nếu điểm không cao, khi ra trường sinh viên với tấm bằng trung bình sẽ khó xin việc", bà Tâm cho biết. Thực tế, học sinh suốt thời phổ thông đã học thụ động, khi lên đại học các thầy tiếp tục cho sinh viên ngồi nghe giảng nên tiếp tục thụ động. "Nói thật, tôi thấy các thầy chiều sinh viên quá, đến khi thi cũng cho điểm rất thoáng. Vì vậy sinh viên đang thụ động trở nên cực kỳ thụ động, khiến sinh viên thêm lười học. Mong các thầy cho các bạn ấy điểm kém thôi. Phải giúp sinh viên nhận thức được nếu không nỗ lực học sẽ không thể đạt điểm cao. Khi sinh viên không đạt điểm cao  họ phải biết cần phải học, phải làm sao cho sinh viên thèm học mới là quan trọng", bà Tâm đề nghị.

 

Sinh viên không biết mình là ai, muốn làm gì

Cùng quan điểm với bà Tâm, bà Ashley Nu Tang (Công ty Gene Friend Way) cũng cho rằng các trường đại học cần thừa nhận sự thụ động của sinh viên do kết quả nền giáo dục phổ thông, vấn đề là các trường cần phải thay đổi việc này. Theo bà Ashley, bảng khảo sát của nhà trường đưa ra rất nhiều kỹ năng sinh viên cần có nhưng lại không có sự liên kết nên không thể biết được kỹ năng nào cần thiết nhất. "Nhiều sinh viên các trường đại học lớn vẫn không trả lời được câu hỏi đơn giản nhất - Bạn là ai và muốn làm gì? Tôi đến nhiều trường đại học nhận thấy sinh viên trả lời được câu hỏi đó sẽ tự học rất tốt. Nếu không thông việc này mà nhà trường đưa ra hàng trăm khóa học sinh viên vẫn không thấy cần thiết cho mình", bà Ashley nói. Tương tự, bà Ngô Thúy Hằng (Công ty Rohto Việt Nam) cho biết hơn 20 năm làm công tác tuyển dụng, bà cũng gặp nhiều sinh viên năng lực chuyên môn yếu, kém kỹ năng như mô tả của bà Tâm. Nhưng theo bà Hằng, thực trạng đó chỉ là một bộ phận, không phải tất cả sinh viên. "Nhiều sinh viên ra trường mong muốn làm việc ở các công ty thương mại nhưng họ không nhận thức được rằng cần phải có kiến thức chuyên môn mới có thể làm việc tốt được. Tôi cho rằng doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm trau dồi thêm kiến thức cho sinh viên, không nên quá đòi hỏi ở nhà trường nhiều thứ", bà Hằng nói. Còn ông Phạm Đăng Khoa (Công ty TNHH thiết bị và đầu tư y tế Phương Nam) cho rằng: "Những hiện tượng trên có lỗi từ hệ thống giáo dục, từ sự ảo tưởng của sinh viên. Thực tế khi ở trường học, sinh viên đạt loại giỏi và trong suy nghĩ của họ mình giỏi thật. Nhưng với doanh nghiệp, thang điểm còn nhiều thứ khác".

Sinh viên không có cảm hứng học kiến thức cơ bản

Theo TS Nguyễn Trí Nhân - trưởng khoa sinh học - công nghệ sinh học có tới hơn 30% sinh viên của khoa làm công việc liên quan kinh doanh và marketing. Đây là điều mà trước đây nhiều năm khoa không hề nghĩ tới khi xây dựng chương trình đào tạo.

"Thực tế sinh viên không có cảm hứng để học kiến thức cơ bản. Để sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của kiến thức cơ bản phải nhờ đến doanh nghiệp nói lên điều này", ông Nhân nói.

Trước các yêu cầu của doanh nghiệp, ông Nhân cho rằng trường có nền tảng khoa học, đào tạo sinh viên có khả năng nghiên cứu và làm thí nghiệm tốt. Tuy nhiên trường không thể nào dạy sinh viên kỹ năng đàm phán thương mại mà phải nhờ đến các nhà tuyển dụng.

(Nguồn: https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-de-nghi-truong-phai-cho-sinh-vien-diem-kem-20190111110723789.htm)

 

Số lần xem trang: 2116

Liên kết doanh nghiệp