TTO - Bằng kỹ thuật làm nông mang tên 'zai' cùng sự kiên trì, lão nông Yacouba Sawadogo đã biến những vùng đất hoang hóa, khô cằn của Burkina Faso thành những cánh rừng.

Lão nông Yacouba Sawadogo - Ảnh: REUTERS

Không thể thay trời làm mưa giống như các vị pháp sư trong truyền thuyết, song ông Yacouba Sawadogo, một người nông dân bình thường của Burkina Faso, lại có thể phổ cập hóa kỹ thuật làm nông cổ xưa, biến vùng đất sa mạc thành nơi có thể trồng trọt trong vài thập kỷ qua.

Năm nay ông Yacouba Sawadogo đã chia sẻ giải thưởng trị giá 3 triệu krona Thụy Điển (341.800 USD) với ba nhà hoạt động nhân quyền người Saudi Arabia và một nhà nông học người Úc vì đã cùng có những sáng kiến giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.

Ông Yacouba Sawadogo nổi tiếng vì đã góp công biến những vùng đất hoang hóa, khô cằn của Burkina Faso thành những cánh rừng nhờ sử dụng phương pháp canh tác "zai", đào các hố trong vùng đất cứng để tập trung nước và dưỡng chất, giúp cây cối có thể đương đầu khô hạn.

Kỹ thuật canh tác cổ truyền của người Burkina Faso đã được ông Yacouba Sawadogo sử dụng để khôi phục hàng ngàn hecta đất cằn cỗi, theo đó giảm đói nghèo không chỉ cho Burkina Faso mà còn cả cho Cộng hòa Niger kể từ khi ông bắt đầu dạy nó vào những năm 1980.

Trên thực tế, người đàn ông đặc biệt này đã có giải pháp ứng phó cho cuộc khủng hoảng lương thực tại đất nước mình mà ngay cả các nhà khoa học và nhiều tổ chức phát triển cũng đã lắc đầu chịu thua.

Burkina Faso là quốc gia nằm trong vùng khí hậu bán khô hạn bên dưới sa mạc Sahara, nằm trong dải Sahel (cùng các nước khác là Senegal, Mauritanie, Mali, Niger, Nigeria, Tchad, Sudan và Eritrea). Tại khu vực này, tình trạng biến đổi khí hậu và lạm dụng đất đang khiến việc canh tác nông nghiệp ngày càng khó hơn, theo đánh giá của giới chuyên gia.

"Ông Yacouba Sawadogo đã cam kết chặn đứng tình trạng sa mạc hóa, và ông ấy đã làm được điều đó" - ông Ole von Uexkull, giám đốc điều hành tổ chức Right Livelihood Award Foundation, nói về lão nông đặc biệt người Burkina Faso.

"Nếu các cộng đồng địa phương và chuyên gia quốc tế sẵn sàng học hỏi trí tuệ của ông ấy, người ta hoàn toàn có thể tái sinh những vùng đất lớn bị thoái hóa, giảm bớt tình trạng di cư và thiết lập hòa bình trên dải Sahel" - chuyên gia này tiếp tục.

Năm ngoái, những cơn mưa hiếm hoi tại Burkina Faso đã khiến gần 1 triệu người ở quốc gia Tây Phi này rơi vào cảnh cần hỗ trợ lương thực.

"Zai" là một kỹ thuật làm nông rất đơn giản và ít tốn kém. Người ta dùng xẻng hoặc dụng cụ tương tự đào những hố nhỏ trên nền đất cứng và chất đầy phân xanh (những loại thân cây đã được ủ mục làm phân) vào hố này và sau đó trồng cây hoặc gieo hạt giống vào đó.

 

Những cái hố này sẽ trữ nước trong mùa mưa để tiếp tục duy trì độ ẩm và đủ dinh dưỡng cho cây trong suốt mùa khô.

Ban đầu ông Sawadogo từng vấp phải nhiều phản ứng với kỹ thuật làm nông được cho là phi truyền thống của ông. Ông đã khôi phục phương pháp canh tác nông nghiệp cổ xưa của người châu Phi có tên là "zai", nó lạ lùng tới mức ngay chính những người nông dân sống cạnh ông ban đầu cũng cười nhạo.

Nhưng khoảng 20 năm sau, khi các phương pháp của ông chứng tỏ chúng mang lại hiệu quả thực sự, đã không còn ai dám chỉ trích, cười nhạo ông nữa. Hàng chục ngàn hecta đất hoang hóa, bạc màu của Burkina Faso đã hồi sinh, trở thành những mảnh đất đủ màu mỡ cho các vụ mùa gieo trồng trở lại.

Vài chục năm qua, lão nông này cũng không giấu giếm kỹ thuật canh tác đặc biệt cho riêng mình. Ông tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ngay tại nông trang của mình cho các nông dân ở địa phương và cả nông dân ở những vùng lân cận.

Phương pháp đào hố của ông đã được các tổ chức cứu trợ ngăn chặn thiếu đói trong khu vực chấp nhận. Ông lão Sawadogo và câu chuyện biến sa mạc thành rừng từ phương pháp canh tác đặc biệt này thậm chí cũng đã lên phim trong bộ phim có tên The man who stopped the desert (tạm dịch: Người chặn đứng sa mạc) năm 2010 của đạo diễn Mark Dodd.

Lão nông Yacouba Sawadogo nói ông hi vọng có thể sử dụng giải thưởng cho tương lai. "Mong ước của tôi là mọi người tiếp nhận kiến thức của tôi và chia sẻ nó. Điều này có thể có lợi cho những người trẻ trong nước" - ông chia sẻ với Hãng tin Reuters từ ngôi làng của ông tại Burkina Faso.

Theo ông Chris Reji - chuyên gia quản lý tài nguyên thiên nhiên thuộc Trung tâm hợp tác quốc tế: "Chúng tôi phải dừng rao giảng và chỉ bảo, mà bắt đầu học hỏi, lắng nghe những người nông dân này nói". Ông Reji bày tỏ sự ngưỡng mộ với những gì lão nông của Burkina Faso đã làm được.

(Nguồn: https://tuoitre.vn/lao-nong-bien-sa-mac-thanh-rung-20190106090038246.htm)

Số lần xem trang: 2116

Liên kết doanh nghiệp