Nhà khoa học James P.Allison và Tasuku Honjo tìm ra liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế cơ chế điều hòa âm tính của kháng thể.

Quá trình kiểm phiếu để lựa chọn giải Nobel Y học 2018 đã được Ủy ban giải Nobel Y học của viện Karolinska (Thụy Điển) hoàn tất và công bố vào 16 giờ 30 phút chiều nay (giờ Hà Nội).

Hai nhà khoa học có công trình được giải Nobel y học 2018. Ảnh: Nobel Prize.

Hai nhà khoa học có công trình được giải Nobel y học 2018. Ảnh: Nobel Prize.

GS James P. Allison (70 tuổi, người Mỹ) đã nghiên cứu một loại protein hoạt động như một chất kìm hãm hệ miễn dịch. Ông nhận ra tiềm năng khi giải phóng tế bào miễn dịch có thể kích thích khả năng tấn công các khối u. Theo đó, ông phát triển ý tưởng này thành hướng tiếp cận mới để điều trị cho bệnh nhân.

Còn GS Tasuku Honjo (76 tuổi, người Nhật Bản) cũng phát hiện một loại protein ở tế bào miễn dịch hoạt động như chất ức chế nhưng có cơ chế hoạt động khác. Các phương pháp điều trị dựa trên phát hiện của ông rất hiệu quả trong việc chống lại ung thư.

Phương pháp mới áp dụng thử nghiệm trong việc điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ. Hai tháng sau khi đưa vào tế bào miễn dịch, hiện tượng tiến triển giả xuất hiện. Sau 4 tháng, kích thước khối u được thu nhỏ.

Ủy ban Nobel đánh giá, công trình của 2 nhà khoa học tìm ra cách kích thích hệ thống miễn dịch để chống lại tế bào ung thư, mở ra nguyên lý mới cho việc điều trị bệnh này. Nghiên cứu mang lại hy vọng cho cộng đồng khi bệnh ung thư đang giết hàng triệu mạng sống mỗi năm.

 

James P. Allison là giáo sư miễn dịch học tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas. Ông từng có nhiều năm nghiên cứu về cơ chế phát triển và kích hoạt thụ thể tế bào T. Ông cũng là nhà khoa học đầu tiên tìm ra cách tách chuỗi protein phức tạp của kháng nguyên thụ thể tế bào T.

Nhà miễn dịch học Tasuku Honjo, Đại học Kyoto, nổi tiếng với công trình về protein PD-1 trong liệu pháp điều trị ung thư. Ông cũng là người phát hiện về một loại enzyme AID có vai trò thiết yếu trong quá trình tái tổ hợp gene kháng thể và siêu đột biến.

TS Tasuku Honjo (áo vest xanh) được đồng nghiệp tại Đại học Kyoto vây quanh sau nghi nhận được tin đoạt giải Nobel. Ảnh: Nobel Prize.

TS Tasuku Honjo (áo vest xanh) được đồng nghiệp tại Đại học Kyoto vây quanh sau nghi nhận được tin đoạt giải Nobel. Ảnh: Nobel Prize.

Theo Nobel Prize, các giải Nobel Vật lý, Hóa học, Hòa bình và Kinh tế sẽ được công bố trong những ngày 2, 3, 5 và 8/10. Giải Nobel Y học năm ngoái thuộc về ba nhà khoa học Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young với những phát hiện về gene kiểm soát nhịp sinh học hàng ngày.

 

Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm lập ra từ năm 1901 dựa trên tài sản của Alfred Nobel, nhà phát minh kiêm doanh nhân Thụy Điển.

Giải thưởng được trao thường niên cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật trong các lĩnh vực Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học, Hòa bình.

Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, còn gọi là giải Nobel Kinh tế. Mỗi giải thưởng gồm huy chương, bằng chứng nhận cá nhân và một khoản tiền thưởng. Từ năm 1901-2017, giải thưởng đã được trao 585 lần cho 923 cá nhân và tổ chức trên thế giới.

 

 

 

 

 

 

 

 

Ban Khoa học

 

Số lần xem trang: 2116

Liên kết doanh nghiệp