GaidinhNet- Võ Sinh Tiên sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, sang Mỹ học từ cấp 2, nhưng em đang ấp ủ dự án xây bể nước sạch cho 37 làng ung thư.

Tình cờ gặp em mới đây, nghe chuyện nghiên cứu khoa học và cả chuyện em xin tiền bố mẹ để đầu tư xây bể xử lý nước sạch cho bà con nông dân ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã khiến nhiều người ngạc nhiên, thán phục.

Dự án đầu tay của Sinh Tiên mang tên The L.I.F.E Project = The Living Issues For Empowerment, tạm dịch là: Các vấn đề trong hoàn cảnh sống mà chúng ta vượt qua. Dự án được triển khai từ tháng 7/2014 và phấn đấu hoàn thành vào tháng 6/2015.


Sinh Tiên gặp và tặng quà cho công nhân sập hầm lò ở Đạ Dâng.

Về động lực khiến em bắt tay nghiên cứu đề tài này, Sinh Tiên cho biết: "Em sống xa nhà, nên những thông tin mà em thu lượm được chủ yếu qua internet. Đọc báo, nghe đài, xem ti vi, em thấy bà con ở nông thôn quê mình đã nghèo lại còn khổ vì điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Một lần em đọc bài báo về nước sinh hoạt bị nhiễm tạp chất, đặc biệt là asen, khiến nhiều người bị ung thư, nhiều làng xã người chết vì căn bệnh ung thư cứ ngày một tăng dần. Và ý tưởng nghiên cứu về công trình này em đã quyết định ngay trong dịp về nghỉ Tết.

Em đã tìm đến Khoa Môi trường, Trường Đại Học Thủy Lợi, nơi chuyên nghiên cứu về lĩnh vực này để xin các thầy tư vấn. Sau khi gặp các thầy, động cơ phải đầu tư công trình nghiên cứu của mình cứ lớn dần mỗi ngày, em đã viết thư tâm sự cùng bố mẹ và xin bố mẹ ủng hộ đầu tư cho công trình đầu tay của mình. Em mong sau công trình này, từ những bể xử lý nước sạch cho bà con nông dân 2 xã Kim Thành và Đức Thành sẽ được các nhà hảo tâm tài trợ để bà con nông dân ở mọi vùng đều có nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, hạn chế được bệnh tật, nhất là căn bệnh ung thư quái ác".

Kim Thành và Đức Thành là 2 xã miền núi nghèo của huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An. Do mật độ dân cư thưa, nên việc xây dựng hệ thống nước tập trung rất khó khăn, hiện cả huyện mới có 14/39 xã có nước máy, chủ yếu dùng nước mưa và nước giếng khoan. Đây cũng là huyện có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư khá cao trong số 37 làng ung thư trên cả nước. Đó là nguyên nhân khiến cô bé Võ Sinh Tiên tìm về nơi này.

Nguồn nước giếng khoan ở xã Kim Thành và xã Đức Thành, Nghệ An đều có đặc điểm chung là khi nước được bơm từ giếng lên nhìn rất trong nhưng có mùi tanh nhẹ, để tiếp xúc với không khí một thời gian thì thành bể chứa dần dần chuyển qua màu vàng hoặc màu đen do có khá nhiều sắt, mangan. Hàm lượng asen, amoni tuy không cao nhưng nếu nguồn nước này không được xử lý và sử dụng lâu ngày cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người dân trong vùng.

Cô đã có mặt ngay sau khi các công nhân vụ sập hầm đang nằm viện.

Với sự đầu tư của bố mẹ và cô bác trong gia đình, công trình xây dựng hệ thống xử lý nước giếng khoan cho trạm y tế và 4 trường học cùng 10 hộ gia đình đã thành công. Mỗi công trình bao gồm giếng khoan, bể lọc, bể chứa, máy bơm, vòi xả... Không thể tả hết niềm vui sướng của người dân trong xã cũng như các thầy cô giáo, y tác bác sỹ ở Yên Thành, Nghệ An khi máy bơm hoạt động xối xả với dòng nước trong vắt. Bể chứa nước mưa cũng như bể chứa nước giếng khoan đều được lắp đặt hệ thống lắng lọc, đảm bảo nguồn nước sạch cho sinh hoạt.

Trò chuyện với cán bộ lãnh đạo xã, các thầy cô giáo, trạm y tế xã và bà con nhân dân của 2 xã Kim Thành và Đức Thành, ai cũng vui mừng phấn khởi và mong có thêm nhiều công trình để mọi người, mọi nhà đều được sử dụng nước sạch, xóa đi nỗi ám ảnh về căn bệnh ung thư quái ác do nguồn nước ô nhiễm.

Không chỉ tham gia xây dựng bể nước sạch giúp các làng ung thư, Sinh Tiên còn đóng góp ủng hộ trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa ở Hà Giang, Cao Bằng, khi thì quyên góp sách ủng hộ thư viện, khi là quần áo và những đồ dùng thiết yếu cho trung tâm trẻ em tàn tật. Những lúc bận học em lại nhờ mẹ và người thân chuyển những đồng tiền ít ỏi của mình đến các quỹ từ thiện mỗi khi biết tin.

Chương trình "Giai điệu mùa thu" vừa được cô tổ chức để gây quỹ cho dự án.

Ấn tượng nhất với em là được vào tận công trình thủy điện Đạ Dâng để gặp, trò chuyện và tặng quà cho 12 công nhân bị kẹt trong hầm khi họ được giải cứu. Vui hơn cả là được ôm hôn, trò chuyện với "hoa hậu" của công trường, chị Đặng Thị Hồng Ngọc, người phụ nữ duy nhất trong số 12 nạn nhân trong vụ sập hầm- Võ Sinh Tiên kể.

Không dừng lại ở đó, Sinh Tiên còn muốn nhân rộng công trình này ra cả 37 làng ung thư. Mới đây, em đã phối hợp với các thầy cô và các bạn tổ chức chương trình biểu diễn Piano độc tấu và hòa tấu mang tên "Giai điệu mùa Thu" tại Nhà hát lớn Hà Nội để tuyên truyền gây quỹ cho dự án này.

Học giỏi, chơi piano cũng giỏi, viết truyện cũng rất ổn, nghe nói Tiên đang chuẩn bị xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên "Tôi sẽ sống" được viết bằng tiếng Anh... Võ Sinh Tiên quả là cô bé đa tài, giàu lòng nhân ái.

Nguồn: Theo Quỳnh Chi/Báo Gia đình & Xã hội

 

Số lần xem trang: 2114

Liên kết doanh nghiệp