TT - Một công ty hình thành từ ba cá tính nhưng chung nhau ở điểm: đam mê, táo bạo nhưng bài bản.


Bộ ba “báo đỏ”: Đinh Kiều Anh Tuấn, Trần Đại Dương và Nguyễn Tiến Huy (từ trái qua) bàn về một phương án thực hiện video marketing - Ảnh: Quang Định

Họ cùng nhau tạo thành “Đội hình báo đỏ” - tìm đường đi cho một công ty truyền thông thị giác phát triển ở VN.

Ba chân dung ấy đang “nỗ lực nội tâm” và thể hiện hướng đi mới lạ, từ cách tổ chức công ty đến việc tuyển chọn nhân sự.

“Đội hình báo đỏ”

 

Hiện tại văn phòng RCM đặt tại một biệt thự ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), không khí trẻ trung, thoải mái như chính những nhân sự bên trong văn phòng. Họ có bàn bida, bàn DJ và làm việc thoải mái với giờ giấc không theo giờ hành chính. Nhưng ngoài những giờ nghỉ ngơi, những người bạn trẻ vẫn luôn sáng tạo miệt mài để thực hiện ước mơ của mình.

“Đội hình báo đỏ” là cách để nói về ba thành viên trụ cột Công ty truyền thông Báo Đỏ (Red Cat Motion - RCM). Ngay sau khi tốt nghiệp THPT, Đinh Kiều Anh Tuấn tự xác định mục tiêu là làm trong ngành thiết kế, khi nghề này còn mới ở VN.

“Do ảnh hưởng từ người bác ruột chuyên làm thiết kế bìa lịch, từ nhỏ thích mày mò vẽ vời, thiết kế cái này cái nọ nên tôi xin ba cho đi học truyền thông đa phương tiện ở ĐH Swinburne, Úc. Ngày đó khi xin đi du học, ba chỉ cho tiền học trong năm đầu, về sau tôi lo hết. Và tôi đã thực hiện được lời hứa, từ năm thứ hai ở Úc tôi bắt đầu làm thêm bằng chính chuyên ngành thiết kế đang học” - Tuấn chia sẻ.

Hai năm theo học tại Úc, vừa học vừa làm thêm mảng thiết kế, làm video hoạt hình quảng cáo cho Tuấn nhiều kinh nghiệm và hun đúc một ước mơ khởi nghiệp độc đáo. Về nước, Tuấn bắt đầu bằng vị trí giám đốc mỹ thuật, giám đốc sáng tạo tại một công ty truyền thông quảng cáo khi mới bước qua tuổi 20.

Trần Đại Dương, một trong bộ ba “báo đỏ”, thì: “Tôi học ngành kinh tế đối ngoại nhưng trong thời gian học tôi luôn tham gia nhiều công việc để thử thách và tìm hiểu tính cách của mình phù hợp cái gì”. Thời điểm Tuấn và Dương gặp nhau thì Dương vẫn đang là sinh viên năm hai. Do đây là lĩnh vực hoàn toàn trái ngành học nên thời gian đầu Dương chủ yếu vì yêu thích nên tham gia nhóm của RCM khi đó do Tuấn và bốn người bạn khác sáng lập để học hỏi.

Dần dà hai anh em ăn ý, có cùng định hướng, lại thêm mỗi người một thế mạnh (Tuấn mạnh về ý tưởng và chuyên môn, Dương có khiếu và kiến thức kinh doanh) và thế là bắt tay nhau thành lập và duy trì RCM đến bây giờ.

Tuấn và Dương gặp Nguyễn Tiến Huy, người được xem là “tiên sinh Gia Cát” của công ty, tại Câu lạc bộ Khởi nghiệp TP.HCM khi Huy đã có hơn mười năm kinh nghiệm trong ngành quảng cáo và các vị trí công việc của nhà quản lý như “chief digital officer” (giám đốc kỹ thuật số) tại Ogilvy, công ty quảng cáo lớn trên thế giới có chi nhánh tại VN. Huy đã hỗ trợ Tuấn và Dương rất nhiều về quản lý và chiến lược. Bây giờ thì bộ ba này gắn bó với nhau, vừa hỗ trợ vừa học hỏi lẫn nhau rất nhiều vì tương lai RCM.

Từ chối nhà đầu tư

“Không cần bằng ĐH” - đó là tiêu chí mà RCM tuyển chọn nhân viên, xuất phát từ câu chuyện của bộ ba CEO “báo đỏ”. Nguyễn Tiến Huy đã “quên nghề chính” khi nhận ra ngành điện - điện tử không phù hợp với mình. Huy tìm đến với truyền thông đa phương tiện, tự học.

Quân sư “già” nhất nhóm “báo đỏ” cùng hai đàn em mới 25 tuổi chia sẻ: bản chất của công việc và môi trường làm việc mà công ty đang xây dựng đề cao khả năng sáng tạo, kỹ năng làm việc, chuyên môn và cả tinh thần “chiến đấu” mạnh mẽ chứ không phụ thuộc bằng cấp. Thế nên RCM chào đón tất cả những ai hội đủ các yếu tố trên ngay trước cả khi bạn cần một bằng cấp cụ thể để chứng minh điều đó.

RCM tỏ ra khá “ngông” khi từ chối hầu hết lời mời chào đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm hay nhà đầu tư cá nhân. Lý giải về điều này, Tuấn nói: “Trong ngành truyền thông, vốn quan trọng nhất chính là con người. Định hướng của RCM là xây dựng đội ngũ nhân sự ngày càng vững chắc, cung cấp những sản phẩm tốt nhất đến khách hàng.

Thay vì nhận đầu tư, chúng tôi dựa vào vốn của chính mình bằng những đồng tiền chắt chiu được từ lúc làm thuê. Nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng này, nhưng chúng tôi sẽ chờ đến giai đoạn chín muồi”. Không chỉ là vốn, những kinh nghiệm, học hỏi suốt nhiều năm của bộ ba này được dùng hết vào việc xây dựng ước mơ mang tên “video marketing” - phim truyền thông quảng cáo, đặc biệt là phim hoạt hình.

Giấc mơ về video marketing

“Thật sự video marketing vẫn còn là một khái niệm khá mới ở VN dù rất phổ biến ở nước ngoài. Các công ty trong nước chưa biết đến hoặc đang e dè khi sử dụng nó. Dù vậy RCM vẫn rất mừng khi ngày càng nhiều tin bài trong ngành giới thiệu về loại hình marketing này và nhận được sự quan tâm của mọi người. Họ luôn mong muốn thông qua các video để giới thiệu thật sinh động và trực quan về sản phẩm của mình” - Trần Đại Dương chia sẻ.

“Trong mô hình truyền thông, các công ty thường tập trung chuyên môn vào một kênh (chỉ có 2D hoặc 3D hoặc thiết kế đồ họa thông tin thông thường). Khi có chiến dịch truyền thông quảng cáo tích hợp mỗi công ty sẽ chỉ phụ trách được một kênh, tạo ra sự thiếu nhất quán trên các kênh. Vai trò của RCM là kể câu chuyện bằng hình ảnh trên tất cả các kênh, tạo nên một câu chuyện thống nhất và nhiều cảm hứng.

Nhóm xây dựng các nhân vật thương hiệu bằng hình ảnh 2D, 3D rồi kể lại một cách cụ thể, thống nhất dựa trên ý tưởng mô tả về từng thương hiệu” - Huy mô tả thêm về chiến lược mà RCM đang triển khai, hoàn thiện từng ngày. Hiệu quả từ những video marketing đem lại chứng tỏ công ty đang đi đúng hướng. Trung bình mỗi tháng trước đây nhóm sản xuất được 20-25 phút video thì bây giờ con số đó đã tầm khoảng 40 phút.

Ngoài ra, “Mong ước lâu nay của RCM là sản xuất một phim hoạt hình riêng do chính người VN lên ý tưởng, phụ trách kỹ thuật để giới thiệu đến cả cho bạn bè quốc tế, thậm chí có thể mơ đến giải thưởng điện ảnh Oscar chẳng hạn” - Nguyễn Tiến Huy cho biết.

LÊ VÂN

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20140930/khoi-nghiep-tu-nhung-chat-chiu/652099.html

Số lần xem trang: 2115

Liên kết doanh nghiệp