Cần biết - Phát triển việc sử dụng đệm lót sinh học, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để xử lý môi trường chăn nuôi với chi phí thấp chính là giải pháp hiệu quả đã mở ra hướng đi mới mang tính bền vững cho ngành chăn nuôi cả nước.

Theo Cục Chăn nuôi, tính đến tháng 11/2013, cả nước đã có 40/63 tỉnh, thành phố áp dụng mô hình dùng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, trong đó có 752 trang trại, 61.449 hộ gia đình với tổng diện tích 5,47 triệu m2 đệm lót sinh học (trong đó diện tích đệm lót sinh học chăn nuôi lợn là 70.000 m2 và chăn nuôi gia cầm là 5,4 triệu m2). 

Trong cả nước, Hà Nam và Bắc Giang là 2 tỉnh dẫn đầu việc ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi; ở miền Trung, Quảng Nam và Thanh Hóa đã có 14.000 m2; phía Nam là các tỉnh Hậu Giang (2.558 m2), Vĩnh Long (6.000 m2), Tiền Giang (6.000 m2)...

Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã thể hiện ưu thế vượt trội khi giảm chi phí sản xuất nhờ tiết kiệm nhân công (do không phải tắm cho vật nuôi, không phải rửa chuồng) và giảm thiểu tiêu tốn thức ăn, chấm dứt tình trạng mâu thuẫn giữa các hộ dân vì ảnh hưởng của mùi chất thải trong môi trường.

Công nghệ chăn nuôi mới này đang phát triển nhanh, nhất là ở các tỉnh phía Bắc vì nó đơn giản, không tốn nhiều tiền mua nguyên liệu để làm đệm lót (như mùn cưa, trấu, vỏ bào, bã mía…). Chăn nuôi theo cách này góp phần tăng sức đề kháng cho lợn, tăng chất lượng thịt và trọng lượng của lợn.

Đồng thời, việc đẩy mạnh sử dụng đệm lót sinh học tại Hà Nam đã chấm dứt được bệnh tai xanh, tăng mạnh số đàn lợn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi, giảm thiểu bệnh dịch, bảo vệ môi trường sống, khắc phục được những ảnh hưởng từ tập quán chăn nuôi truyền thống, nhờ đó, phát triển toàn diện ngành nông nghiệp ở địa phương.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

 

 

Số lần xem trang: 2112

Liên kết doanh nghiệp